Thôi miên là gì?

by Mina

Thôi miên có rất nhiều định nghĩa tùy theo góc nhìn và ứng dụng. Tuy nhiên định nghĩa sau đây khá đơn giản và được chấp nhận nhiều nhất:

“Thôi miên là một sự chú tâm cao độ, không quan tâm nhiều đến ngoại cảnh, trong đó ý thức nhường chỗ cho tiềm thức nổi trội hẳn lên”

Trạng thái thôi miên là một trạng thái rất bình thường và tự nhiên xảy ra hàng ngày mà ta không biết. Thí dụ khi ta lái xe mà vẫn suy nghĩ miên man về vấn đề nào đó, đến nơi lúc nào không hay. Đó là một trạng thái thôi miên. Hoặc ta chăm chú đọc một cuốn sách hay, xem một chương trình TV hay, ta đắm chìm trong đó, quên đi hết ngoại cảnh, cũng là một trạng thái thôi miên. Trung bình người ta tự rơi vào trạng thái thôi miên 7 lần trong một ngày. Ít nhất 2 lần trong một ngày, đó là trước khi ngủ và trước khi thức.

Trong trạng thái thôi miên, người ta không hề bị mê man, mà vẫn nghe biết những chuyện xảy ra xung quanh, vẫn tự chủ như thường, có một cảm giác thật thoải mái và vẫn có thể nói chuyện.

Thôi miên không hề và không thể khống chế tư tưởng người khác hay khiến họ hành động theo ý ta muốn được. Thôi miên cần có sự hợp tác giữa nhà thôi miên và đối tượng được thôi miên. Một cuộc thôi miên muốn thành công tùy thuộc vào khá nhiều yếu tố:

  • Sự đồng thuận của đối tượng thôi miên. Nếu họ không muốn thì khó mà thôi miên được.
  • Khả năng tiếp thu thôi miên của đối tượng: Khả năng tưởng tượng, khả năng thư giãn.
  • Sự tin tưởng và thân cận của đối tượng đối với nhà thôi miên và đối với hiệu quả của thôi miên.

Thôi miên có nhiều trạng thái nông sâu khác nhau. Càng sâu càng có tác dụng trị liệu, càng có hiệu quả.

Nhà thôi miên có thể dựa vào những dấu hiệu dưới đây để biết đối tượng đang trong trạng thái thôi miên như thế nào hay không.

  1. Giọng nói: Khi thôi miên giọng nói cũng có thể thay đổi. Lời nói chậm lại và nhẹ đi. Ghi nhận trước khi thôi miên họ nói chuyện như thế nào.
  2. Mắt: Chớp mắt nhanh hay chậm hơn bình thường đều là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong tâm trạng. Thậm chí có người ‘đứng tròng’ luôn trong một khoảng thời gian nào đó, không chớp mắt mảy may nữa. Thuật ngữ thôi miên cũng gọi đó là đứng tròng (Cataleptic). Nguyên nhân của đứng tròng là vì các bắp cơ mắt tạm thời bị bất động trong thời gian đó.
  3. Gương mặt thay đổi: Gương mặt trở nên cân đối hơn và thư giãn. Có người như có vẻ tập trung, trán nhăn lại. Thông thường, dường như không có một ai có gương mặt cân đối, đối xứng hoàn toàn, hai bên trái phải đồng đều với nhau. Khi các bắp cơ trên mặt bắt đầu thư giãn thì gương mặt cũng trở nên hài hòa cân đối hơn. Gương mặt trông dễ nhìn hơn. Đây là những dấu hiệu tự nhiên không thể giả tạo được.
  4. Hơi thở: Thay đổi nhịp thở. Nhịp thở sẽ chậm lại. Nhưng có khi mặc dù đang thư giãn, nhịp thở lại nhanh và cạn hơn. Cho nên vấn đề không phải là nhịp thở trở nên nhanh hay chậm mà là nhanh hay chậm hơn so với bình thường. Nếu có thay đổi tức là tâm trạng đã thay đổi, bởi vì hơi thở gắn liền với tâm trạng. Có thể quan sát hai vai của đối tượng lên xuống theo nhịp thở. Khi thở lồng ngực nhấp nhô lên xuống khiến đôi vai cũng nhấp nhô lên xuống theo, quan sát sự thay đổi của hơi thở.
  5. Nhịp tim: Có những nơi trên thân thể mà mạch máu lộ ra rõ ràng trên da. Ta có thể quan sát thấy nhịp đập của chúng. Chỗ dễ nhận thấy nhất là ở hai bên trên cổ. Ở phụ nữ, mạch máu ở mắt cá cổ chân cũng rất dễ nhìn thấy. Ta có thể nhận ra nhịp tim đang đập nhanh hay chậm. Mặc dù nhịp tim thường đập chậm lại trong khi thôi miên, nhưng cũng có khi tăng nhanh hơn. Nhưng dù nhanh hay chậm hơn thì cũng chứng tỏ sự thay đổi tâm trạng của đối tượng, tức là đã đi vào trạng thái thôi miên. Vấn đề nhanh hay chậm là do nhà thôi miên đang ứng xử với vấn đề gì. Nếu nói về những vấn đề gây hào hứng, nguy hiểm thì mạch tim có thể tăng lên.
  6. Cơ thể: Cơ thể có vẻ thư giãn, nhưng rất có thể chỉ là giả vờ. Quan sát bàn tay hay cánh tay có ửng đỏ lên không, bởi vì các mao quản huyết nở ra cho máu lưu thông nhiều hơn, điều hòa hơn, máu trông có vẻ sậm màu hơn, đặc biệt là ở trên mặt và trên tay. Nhưng đôi khi điều ngược lại cũng xảy ra. Tức là màu da tái hơn. Nhưng dù thế nào thì cũng nói lên rằng có sự thay đổi tâm trạng. Bắp cơ trên mặt hay bị co giật, hoặc đôi vai chùn hẳn lại.
  7. Chuyển động: Một người trong trạng thái thôi miên thì thường không cục cựa hay điều chỉnh lại tư thế. Nếu bảo họ đưa cánh tay lên thì họ sẽ đưa lên thật chậm chạp và giật giật nữa. Họ có khuynh hướng nuốt nước bọt nhiều hơn và thường xuyên hơn. Nhưng rồi sau vài phút họ nuốt chậm lại, có khi dứt hẳn. Những cử động một phần thân thể tay chân tự máy động (Automatic movement) do tiềm thức điều động.
  8. Tay chân trở nên bất động: Thí dụ khi cánh tay giơ cao lên ngang cổ trong khi thôi miên, thì nó vẫn giữ nguyên ở vị trí đó mà không cần sự cố gắng nào hay cảm thấy mỏi mệt cho đến khi nhà thôi miên ra lệnh cho nó hạ xuống hoặc đối tượng tự hạ xuống. Khi cánh tay bất động trong một vị trí như thế cho thấy dấu hiệu đối tượng đang trong trạng thái xuất thần của thôi miên. Đối tượng tập trung vào thế giới bên trong của tiềm thức và phớt lờ mọi biến chuyển của thế giới bên ngoài. Điều đó chứng tỏ họ đang nhập vào trạng thái xuất thần hoặc đã ở trong đó rồi.
  9. Trả lời thụ động: Đây là dấu hiệu quan trọng hơn hết. Đối tượng trở nên ngoan ngoãn hơn, ít phản kháng hơn. Họ dễ dàng chấp nhận, nghe và làm theo lời khơi dẫn của nhà thôi miên. Điều này chứng tỏ nhà thôi miên đã vượt qua được sự ngăn trở của cửa ải ý thức. Thí dụ, nếu như lúc đầu họ có vẻ hay tranh cãi với nhà thôi miên hay với bất cứ ai khác, nhưng rồi lại trở nên dễ dãi thoải mái hơn và sẵn sàng nghe theo sự hướng dẫn. Như thế họ đã đi dần vào trạng thái xuất thần của thôi miên.
  10. Quên: Không thể nhớ được một số ký ức hay kinh nghiệm trong quá khứ.
  11. Gây tê/mê: Không còn cảm giác đau đớn khó chịu mà không cần thuốc an thần hay thuốc tê gì cả.
  12. Cảm giác thay đổi: Các cảm nhận như nóng/lạnh của giác quan sẽ thay đổi.
  13. Ảo ảnh tích cực: Khả năng nhìn thấy một vật gì đó mà thực tế không có.
  14. Ảo ảnh tiêu cực: Khả năng không nhìn thấy một vật gì đó mà trong thực tế lại.

Nguồn: Peter Trương, Bí thuật Thôi Miên & Thôi Miên Trị Liệu Toàn Thư / Ảnh: Internet

Có thể bạn quan tâm


NHỮNG LẦM TƯỞNG VỀ THÔI MIÊN
LIỆU PHÁP THÔI MIÊN HỒI QUY TIỀN KIẾP
BQH VÀ QHHT – THÔI MIÊN CHỮA LÀNH LƯỢNG TỬ
DOLORES CANNON LÀ AI?
HIGHER-SELF
BÀI HỌC CỦA LINH HỒN LÀ GÌ?
NHỮNG LẦM TƯỞNG VỀ THÔI MIÊN
QUY TRÌNH THÔI MIÊN HỒI QUY

You may also like

Leave a Comment

Add Your Heading Text Here