Hỏi: Bây giờ xin thầy tiếp tục chia sẻ những bài thực tập nào để giúp cho những bậc cha mẹ bận rộn trong đời sống. Làm thế nào giúp cho những bậc cha mẹ này có thể lấy lại những năng lượng mà chính họ đã bị cạn kiệt vì những sự bận rộn trong đời sống đó để họ có thể cân bằng mà kịp thời có mặt cho con cái của mình một cách trọn vẹn.
Sư Minh Niệm:
Cách hay nhất là cha mẹ làm cho mình bớt bận rộn. Tại sao cha mẹ phải bận rộn nhiều như thế? Có những sự bận rộn thật sự xứng đáng, vô cùng cần thiết. Nhưng có những sự bận rộn là do chúng ta đặt ra mong muốn dư thừa, không cần thiết.
Phần lớn nó đến từ những nỗi sợ, những lo lắng thái quá.
Có khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải lao ra ngoài kiếm thật nhiều tiền, mang lại nhiều tiện nghi vật chất, kể cả danh dự quyền bính (quyền lực nắm trong tay) để đảm bảo sự trưởng thành của các con mình an toàn vững chãi. Nhưng mà đó không phải một sự thật.
Không phải là một sự thật là vì có khi mình nghĩ như thế nhưng sâu thẳm bên trong là vì mình nghiện làm việc, mình thích kiếm tiền, mình thích thể hiện uy quyền, giá trị của mình ở ngoài kia hơn là trở về nhà để chơi với con, để làm những cái việc mà mình không có nhiều kỹ năng, không có nhiều kinh nghiệm lắm, đó là làm cha mẹ.

Và có khi là vì mình nghĩ tất cả những giá trị đó sẽ làm cho đời sống của con trở nên tốt đẹp hơn, dĩ nhiên trong một chừng mực nào đó thì là như thế. Nhưng mà tổng thể thì không phải.
Con mình cần nhiều giá trị lắm chứ không phải chỉ những thứ tiện nghi vật chất đó.
Cần lắm sự có mặt của cha mẹ, cần lắm sự thư giãn thoải mái bình yên của cha mẹ, cần lắm năng lượng tích cực yêu thương lòng bao dung của cha mẹ, cần lắm những hiểu biết, kinh nghiệm sống quý giá mà cha mẹ chỉ có thể trao truyền cho con một cách thấm đẫm nhất khi mà cha mẹ có mặt trọn vẹn cùng với con.
Cho nên cha mẹ rất cần nhìn lại để có thể cắt bỏ bớt những mong cầu nào thật sự không quá cần thiết để thực tập trở thành người bớt bận rộn, thay vì mình quá tự hào hoặc là mình chủ trương sống thành một người càng bận rộn càng tốt.
Bên cạnh đó thì cha mẹ cũng cố gắng để thực tập thiện, thực tập chánh niệm trong bất cứ công việc nào từ những công việc lớn đến những công việc nhỏ như là công việc cá nhân, phải có sự thư giãn, phải có sự cảm nhận, phải có sự thảnh thơi, đừng để mình bị cuốn vào công việc quá nhiều, cuốn vào sự thành bại.

Hãy xem mỗi việc mình làm là một cơ hội để sống sâu sắc, một cơ hội để cảm nhận đời sống, một cơ hội để mang những giá trị tốt đẹp trong người mình ra chia sẻ với những người xung quanh.
Như vậy mình cũng sẽ nhận được rất nhiều năng lượng trong quá trình làm việc, kiểu như chơi ấy mà, làm nhưng mà không có làm, không có mắc kẹt vào những cái làm.
Và cuối cùng là tranh thủ mọi cơ hội để được trở về với chính mình, để được thở, thư giãn, buông xả, an trú vững vàng trong hiện tại.
Với tất cả những nỗ lực đó thì chắc chắn khi mình xuất hiện với con, mình có ý thức rằng mình mang giá trị gì đến cho con, mang năng lượng nào cho con thì mình sẽ làm được điều đó.
Còn khi mình không ý thức được những giá trị năng lượng của mình có ảnh hưởng đến con, hoặc là mình không có ý thức là mình sẽ quay về nuôi dưỡng con, mình cứ lao ra bên ngoài, mình cứ kẹt vào sự bận rộn đó thì chắc chắn là con mình sẽ không nhận được những giá trị nuôi dưỡng của mình, con mình ở bên mình nhưng mà nó cứ héo hon, cằn cỗi, như là một khu vườn không được ai chăm sóc thì rất là tội nghiệp.
Ảnh: Pixabay
Có thể bạn quan tâm:
Làm thế nào để giúp trẻ đối diện với khó khăn, nghịch cảnh?
Làm thế nào để giúp con định hướng nếu con có những sai lầm vấp ngã
Vì sao cha mẹ và con cái mâu thuẫn trong thời gian con bước vào tuổi vị thành niên?
Con cái là nợ hay là món quà?
Ba mẹ ơi, con đồng tính…
Những bài thực tập nào để giúp cho những bậc cha mẹ bận rộn trong đời sống
Cha mẹ đang bất ổn tâm lý, vậy phải làm sao để nuôi dậy con?
Con đường đi tới đời sống tỉnh thức