Khổ đau cũng là chất liệu cần thiết

by Mina

Câu hỏi: Khi thầy nói là không phải buông thì con có suy nghĩ một điều này, đó là: con thấy có những nhà thơ, nhạc sĩ mà hầu như những bài hát hay nhất, nhớ nhất là có liên quan tới những nỗi đau, những hờn ghen, những điều mà người trong cuộc phải chịu.

Đôi khi việc mà không nguôi những cảm xúc đó, gặm nhấm những cảm xúc đó, đó lại là chất xúc tác để tạo sự thăng hoa hơn trong những tác phẩm. Theo thầy trong cuộc sống đôi khi cũng phải ghen, cũng phải đau khổ, cũng phải thưởng thức đau khổ, thầy có đồng ý với điều đó không ạ?

Thầy Minh Niệm: Tôi nghĩ là ghen tuông hay giận hờn hay trách móc lẫn nhau nó là một bản năng tự nhiên của con người. Nếu bạn không có ý muốn thần thánh hoặc bạn không có một chương trình khổ luyện nào để vượt qua thì dĩ nhiên nó là một phần trong con người của bạn.

Khi bạn bước vào một cuộc hôn nhân mà bạn chưa quản lý được những thứ đó, bạn đang sống chung với nó thì người bạn đời của bạn sẽ lãnh đủ hết.

Dĩ nhiên nếu người bạn đời của bạn vững, làm chủ bản thân tốt thì những rác rưởi của bạn chẳng là gì cả, thậm chí họ còn có ý muốn giúp đỡ bạn. Nhưng nếu người bạn đời của bạn xuống phong độ, vì một lý do nào đó họ không còn giữ được mức tốt đẹp ban đầu thì cũng là sự càm ràm, trách móc,… là một nỗi sợ, nỗi ám ảnh đói với họ.

Mặc dù chúng ta vẫn cho rằng cứ phải ghen mới thể hiện sự yêu thương, nhưng mà ghen có tỉnh thức, ghen mà có thiền, biết mình đang ghen, nói cái gì, làm cái gì, hậu quả đi tới đâu, muốn dừng là dừng thì ghen cũng được, để cho bên kia biết là mình vẫn còn yêu thương.

Nhưng tôi nghĩ rằng hầu hết hàm lượng chứa trong cơn ghen vì yêu thương người kia ít hơn là vì vị kỷ, vì muốn chiếm hữu, vì muốn sở hữu người đó cho nên nổi cơn ghen.

Thật lòng mà nói ghen chút chút, ghen thi vị, ghen làm sao cho đẹp thì ai cũng cần chút. Còn nếu mà ghen ghê gớm, ghen xấu xí thì ai cũng sợ hết.

Tại vì bạn phải ý thức rằng người kia không phải lúc nào cũng giữ nguyên được phong độ. Tốt nhất vẫn là sống trong tỉnh thức, yêu trong tỉnh thức, ghen trong tỉnh thức thì mình biết mình như thế nào và người kia như thế nào?

Cho nên sống trong đời sống này thì khổ đau cũng là một chất liệu cần thiết để ta biết cái gì là hạnh phúc, nhưng mà khổ nhiều quá thì chắc cũng ngán lắm, ai cũng sợ hết. Vậy nên chúng ta đừng có chủ trương là phải ghen, phải làm khổ người kia. Cứ ghen đi, làm khổ người kia đi rồi họ đi mất rồi đừng hỏi tại sao.

Vấn đề là vì không làm chủ được những cơn ghen, cảm xúc đó rồi mình lại biện luận cho rằng là phải cần thiết. Nếu mình đủ tỉnh táo thì tôi nghĩ mình sẽ thu gọn nó lại. Có nhiều cách để mình đánh thức người khác chứ không nhất thiết là phải sử dụng năng lượng độc hại như vậy.

Nếu gọi là buông bỏ tôi cũng đề nghị các bạn khi khổ thì các bạn đừng tiêm chất độc vào người của mình, nên buông bỏ những thói quen tiêu cực như là những bản nhạc sầu, nghe những bài hát mà mình co như con tôm nằm nghe tê tái trong lòng. Nó làm cho con người mình bạc nhược yếu đuối và có niềm tin mãnh liệt rằng ai yêu là cũng khổ.

Thay vào đó các bạn nên đi nghe pháp thoại, nghe gì cũng được, miễn là nó có tính chất nuôi dưỡng, làm cho bạn tỉnh ra, nó đánh thức những giá trị bên trong của bạn, những tinh hoa còn nằm bên trong, làm cho bạn tràn trề năng lượng, khôi phục năng lượng trở lại, trở về với con người tốt nhất của mình. Những loại thực phẩm như vậy nó rất quan trọng.

Nếu bạn có thói quen tiếp cận những loại thực phẩm tiêu cực thì bạn phải học cách nhả ra bớt. Ví dụ như khi mình đang khổ quá thì đừng có bật điện thoại lên, vì mình biết bật điện thoại lên mình chỉ có nghe nhạc thôi, lại nghe đúng ông Chế Linh,… là bạn chết luôn đó.

Nếu bạn mở điện thoại lên để bạn nghe hiểu về trái tim, những chương trình có tính chất nuôi dưỡng và trị liệu thì nên nghe.

Nếu mình là người nhẹ dạ, mình dễ bị tác động bởi hoàn cảnh, mình tin vào những loại thực phẩm xấu đó thì chắc chắn là mình đi tới quyết định sai lầm. Cho nên phải cắt nguồn thực phẩm độc hại đó.

Tức là nếu bạn đưa ra một quyết định thì bạn phải dựa vào trí tuệ của bạn, phải dựa vào sự tỉnh táo của bạn, vì bạn biết là chỉ có bạn mới hiểu hết người đó.

Tại sao cuộc hôn nhân của bạn lại dựa trên cái thấy của người khác, dựa trên quyết định của người khác? Tại sao bạn kết thúc một mối tình mà bạn dựa trên những tiêu chuẩn, những hạn hẹp trong trái tim người khác?

Bạn phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. Bạn phải đủ can đảm buông bỏ những thói quen tiêu cực để bạn không hối tiếc sau này.

Nguồn: ghi chép từ buổi pháp thoại của thầy Minh Niệm

Có thể bạn quan tâm

CHẤP NHẬN CON
DÌU CON VÀO ĐỜI
ĐÂU LÀ Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG?
LÀM SAO ĐỨNG VỮNG GIỮA ĐỜI VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ VÀ BẤT TOẠI NGUYỆN
CÁCH MÀ CHÚNG TA TỔ CHỨC MỘT CUỘC SỐNG AN LẠC ĐỂ LÀM CHỦ ĐỜI SỐNG CỦA MÌNH NẰM Ở ĐÂU?
VÌ SAO MÌNH CHIA TAY?
HẾT YÊU
LÀM SAO ĐỂ BIẾT ĐỦ?
LÀM SAO BIẾT KHI NÀO CẦN BUÔNG BỚT, KHI NÀO CẦN BUÔNG BỎ?
TẠI SAO PHẢI BUÔNG TRONG KHI CÓ THÊM LÀ ĐIỀU TỐT?
CHỒNG TỪNG PHẢN BỘI, CON PHẢI LÀM SAO?
BUÔNG ĐỂ NẮM
CON ĐƯỜNG ĐI TỚI ĐỜI SỐNG TỈNH THỨC
NHỮNG GIẤC MƠ ĐANG NÓI GÌ VỚI BẠN
TRANG TRÍ PHÒNG VỚI HOA
KHÔNG CÒN CHÁN GHÉT BẢN THÂN
CHỮ NHẪN TRONG TIẾNG TRUNG – Ý NGHĨA CUỘC SỐNG
KHÔNG CÒN CHÁN GHÉT BẢN THÂN

You may also like

Leave a Comment

Add Your Heading Text Here