Câu hỏi: Con có một câu chuyện của chính con. Con và vợ đi xuyên việt 1 tháng bằng xe máy, buông bỏ lại tất cả. Tới tỉnh nào đẹp thì vợ chồng con dừng lại. Ví dụ tới Nha Trang dự định ở lại 1 ngày. Tụi con buông rồi, nhưng mà vẫn nắm là thấy đẹp quá lại ở thêm ngày thứ 2. Rồi luyến tiếc lại ở thêm ngày thứ 3. Con muốn mô phỏng lại câu chuyện của con để nói rằng là đôi khi có những lúc chúng ta đã buông rồi, nhưng mà chính trong cái buông đó lại tiếp tục nảy sinh một số cái nắm mà đôi khi cái nắm đó nó rất tinh tế, nó tiếp tục đan xen vào cái buông. Vậy hành trình buông – nắm biết chừng nào mới xong?

Thầy Minh Niệm: Mà xong để làm gì? Nếu mà buông hay thì buông. Nếu nắm hay thì nắm. Chứ tại sao phải có cái kết thúc chứ?
Nhưng mà tôi thì hoàn toàn đồng ý những chuyến đi như vậy. Trong buổi trước tôi cũng có kể về việc tôi hay tư vấn các cặp hôn nhân ở Mỹ, nếu các bạn đã muốn ly dị rồi thì phải làm cho tôi một việc cuối cùng đó là rủ nhau làm một chuyến đi phượt, đi trở về với thiên nhiên chẳng hạn.
Ở Mỹ hay có những chiếc xe tải kéo theo trong đó có rất nhiều tiện nghi, và vợ chồng con cái có thể lên đó và chạy xuyên bang, có thể dừng lại ở bất cứ chỗ nào. Trước khi tiếp nói ý này thì tôi kể một câu chuyện khác là: Có một cặp vợ chồng đã đi đến bờ vực thẳm của hôn nhân và người chồng đã nói với người vợ là chúng ta phải chia tay để giải thoát cho nhau. Người vợ phải cố gắng lắm mới giữ được sự bình tĩnh để không làm ầm lên, để không hoảng loạn, hờn trách.
Sau vài phút bình tĩnh vợ mới nói rằng anh đã suy nghĩ kỹ chưa? Chồng bảo đã suy nghĩ rất lâu rồi chứ không phải mới đây. Người vợ mới nói rằng em xin anh một yêu cầu: em chấp nhận quyết định này, nhưng mà em xin 1 tháng để em chuẩn bị, và yêu cầu của em là mỗi sáng trước khi đi làm anh hãy làm hành động như là khi chúng ta mới cưới nhau, đó là bế em từ trong giường đi ra xe ở trước nhà, chỉ vậy thôi. Người chồng nói ok.
Bắt đầu bài thực tập xảy ra. Những ngày đầu tiên thì người chồng bế vợ trong sự nặng trĩu mệt mỏi căng thẳng và miễn cưỡng. Nhưng mà những ngày sau thì đứa bé con của 2 vợ chồng nó reo lên: Ồ, bố bế mẹ kìa, nhìn đẹp ghê chưa?
Ngày khác nó nói: ô, mẹ sung sướng ha, được bố bế mà con không được ha. Ngày nọ nó lại reo lên: ô, không có bố nào mà thương mẹ như vậy hết, chỉ có bố mới thương mẹ như vậy thôi. Con đã khoe điều này với các bạn.
Ngày khác nó lại reo lên: ô, bố với mẹ là một cặp tình nhân tuyệt nhất ở trên đời, con rất tự hào về bố mẹ. Cứ ngày qua ngày như vậy thì người chồng bỗng thấy việc mình bế vợ mình trên tay ngày một nhẹ đi.
Và chàng mới phát hiện là nàng rất gầy, xuống cân, tiều tụy. Rồi chàng nhìn sâu vào trong mắt nàng có những niềm đau rất lớn, có những nỗi khổ mà suốt những năm qua chàng chưa bao giờ nhìn thấy. Và con mắt nàng quầng thâm.
Người thiếu nữ năm xưa chàng quen rất xinh đẹp, nhiều người săn đón, mà nàng quyết định chọn chàng. Chàng đã từng tự hào về điều đó. Nhưng mà suốt những năm trời qua chàng đã làm như thế nào để nàng trở thành tiều tụy như vậy.
Nàng không hờn trách, nàng không đòi hỏi, nàng không đòi sự công bằng, nàng vẫn nằm yên trên tay chàng, ngoan ngoãn như một con mèo. Và ngày qua ngày chàng nhìn vào nàng, chàng thấy xót thương và cảm thấy bắt đầu có sự đau đớn ở trong lòng, bắt đầu có sự giằng xé, trách móc bản thân, bắt đầu thấy trách nhiệm của mình rất lớn trong cuộc hôn nhân này.
Và hình ảnh ngọt lịm của một đôi tình nhân năm xưa nó cứ hiện về trong chàng. Và chàng biết rất rõ trong lòng mình vẫn còn thương nàng. Chỉ vì sự ham muốn không giới hạn của mình thôi, đi theo những đòi hỏi.
Trước mình nghĩ người này là người mình chọn, rồi những ham muốn trong lòng không kiềm chế được mình nghĩ người vợ mình phải có những tiêu chuẩn khác nữa, đem vợ mình đi so sánh với những đối tượng khác, và người vợ mình không còn là những điểm son, điểm đẹp trong mắt mình nữa.
Ngày mỗi ngày chàng cứ mong vợ mình phải là người khác, mà nàng thì không đáp ứng được, nàng chỉ là nàng thôi. Và cuối cùng chàng mới nhận ra được rằng nếu mình giới hạn sự ham muốn của mình lại, chỉ cần mình giới hạn sự ham muốn của mình lại thì nàng vẫn đẹp, nàng vẫn là người vợ chung tình, nàng vẫn là người bạn đời quý giá của mình.
Và ngày cuối cùng khi chàng bế nàng từ nhà ra xe, nước mắt của chàng đã rơi xuống má của nàng, chàng nói rằng: anh sẽ bế em suốt cả cuộc đời. Đứa con nghe được đã reo hò. Người vợ vô cùng sung sướng.
Đôi khi chúng ta tin rằng việc buông bỏ của chúng ta là đúng, rời xa người đó là đúng, loại trừ người đó là đúng, nhưng thường đó là những cơn cảm xúc, những cơn tự ái, những cơn hờn ghen,… nó trỗi dậy.
Giá như mỗi người cho nhau một cơ hội, đi về miền quê yên ả, đi trở về với năng lượng an lành của đất trời, tạm thời gác chuyện tiếp tục hay kết thúc, hãy nghĩ như là một đôi bạn với nhau thì bạn mặc dù quyết định muốn buông nhưng mà trước khi bạn buông bỏ một cái lớn như là một liên hệ tình cảm như vậy thì bạn nên tập buông bỏ một cái khác nhỏ hơn.
Bạn buông những cái nhỏ, những thứ đó bạn có thể lấy lại được, để bạn biết rằng khi bạn buông những cái nhỏ đó năng lượng của bạn hồi phục trở lại, cộng với việc bạn thêm vào năng lượng an lành từ đất trời thì việc mình kết nối với giây phút hiện tại một cách sâu sắc nhất để bạn đưa ra một quyết định là nên buông bỏ cái lớn hay không, chứ đừng buông cái lớn luôn.
Những cái nhỏ nó có tính chất tiêu hao năng lượng của bạn, nó góp phần để bạn nghĩ tới cái chuyện phải buông bỏ cái lớn, có thể do áp lực công việc, có thể do những đòi hỏi ham muốn của bạn,… Bạn tạm thời gác lại những cái đó đi để bạn nhìn lại việc buông bỏ cái lớn nó có thật sự cần thiết hay không, có phải là quyết định đúng đắn hay không?
Khi bạn buông được cái nhỏ rồi thì bạn trở về với chính bạn, trở về với thiên nhiên, núi rừng,… chẳng qua chỉ là chất xúc tác để giúp bạn trở về với chính bạn, hồi phục lại bản lĩnh ban đầu của bạn, để rồi thực ra bạn tưởng là bạn đã buông nhưng mà bạn đã nắm lại.
Có những thứ không cần phải buông. Nếu buông chăng thì là buông những thứ không cần thiết để giữ lại những thứ cần thiết. Tưởng là đã buông nhưng mà nắm lại được. Chứ không phải thấy nặng quá là phải buông.

Bạn phải nghĩ tới là có phải buông ngay cái làm cho mình nặng trĩu nhất không hay là do những cái rác xung quanh, khi bạn dọn sạch những thứ đó, năng lượng của bạn về đầy đủ nhất thì bỗng nhiên bạn cảm nhận rằng không cần phải buông nữa, bạn đủ bản lĩnh để tiếp tục.
Cho nên khi bạn thay đổi được chính bạn mà bạn vẫn còn giữ quyết định buông bỏ thì chịu, vì bản lĩnh của bạn chỉ tới đó. Còn nếu bạn đã thay đổi được chính bạn rồi thì tôi nghĩ hầu hết là cái thấy của bạn khác, cái dung lượng trái tim của bạn nó sẽ thay đổi, bạn thấy vấn đề này nó chẳng là gì cả.
Cho nên tưởng là buông mà thật ra là nắm. Nắm mà không mệt mỏi, không căng thẳng, không khổ sở thì tại sao phải buông? Chúng ta có nhu cầu muốn buông tại vì chúng ta quá kiệt sức. Vậy có nhiều cách để chúng ta lấy lại quân bình, sức lực, sự ổn định mà không nhất thiết phải buông cái quan trọng, có thể là cái quan trọng nhất của cuộc đời này.
Nguồn: ghi chép từ buổi pháp thoại của thầy Minh Niệm
Có thể bạn quan tâm
CHẤP NHẬN CON
DÌU CON VÀO ĐỜI
ĐÂU LÀ Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG?
LÀM SAO ĐỨNG VỮNG GIỮA ĐỜI VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ VÀ BẤT TOẠI NGUYỆN
CÁCH MÀ CHÚNG TA TỔ CHỨC MỘT CUỘC SỐNG AN LẠC ĐỂ LÀM CHỦ ĐỜI SỐNG CỦA MÌNH NẰM Ở ĐÂU?
VÌ SAO MÌNH CHIA TAY?
HẾT YÊU
LÀM SAO ĐỂ BIẾT ĐỦ?
LÀM SAO BIẾT KHI NÀO CẦN BUÔNG BỚT, KHI NÀO CẦN BUÔNG BỎ?
TẠI SAO PHẢI BUÔNG TRONG KHI CÓ THÊM LÀ ĐIỀU TỐT?
CHỒNG TỪNG PHẢN BỘI, CON PHẢI LÀM SAO?
KHỔ ĐAU CŨNG LÀ CHẤT LIỆU CẦN THIẾT
CON ĐƯỜNG ĐI TỚI ĐỜI SỐNG TỈNH THỨC
NHỮNG GIẤC MƠ ĐANG NÓI GÌ VỚI BẠN
TRANG TRÍ PHÒNG VỚI HOA
KHÔNG CÒN CHÁN GHÉT BẢN THÂN
CHỮ NHẪN TRONG TIẾNG TRUNG – Ý NGHĨA CUỘC SỐNG
KHÔNG CÒN CHÁN GHÉT BẢN THÂN