Câu hỏi: Thông qua câu chuyện con nhận ra là hành trình buông bỏ không hề đơn giản. Buông bỏ phải vượt qua được chính mình, phải khôn ngoan, bản lĩnh, thậm chí cần nhờ người khác hỗ trợ nữa. Con có điều băn khoăn là, khi nói buông thì mọi người thường hay nói theo cụm từ là buông bỏ.
Nhưng ở đây con phân làm 2 dạng: một là buông bớt, tức là buông từng tập. Hai là buông bỏ, tức là buông toàn tập. Thầy có nói tiêu chí để một người buông tốt là phải khôn ngoan. Vậy làm sao để mình phân biệt được thời điểm đâu là lúc mình cần buông bớt, đâu là lúc mình phải buông bỏ. Vì có những lúc buông bỏ thì lại nguy hiểm, có những lúc buông bớt thì lại không đủ.

Thầy Minh Niệm: Tôi có câu chuyện này nó hơi dài, nhưng hy vọng nó có tác dụng với các bạn.
Có ông thầy giáo này ông có một khả năng dạy học trò rất hay, không nói lý thuyết nhiều mà chỉ vào những câu chuyện thực tế để cho học trò tỉnh ngộ, hiểu ra vấn đề. Người thầy thường hay nhắc học trò đi du phương để trải nghiệm thực tế. Có lần đó hai thầy trò tới một nơi, do trời tối nên không kịp đi vào thị trấn, và tá túc tại một căn nhà bên bìa rừng. Căn nhà này ọp ẹp, nhìn có vẻ như muốn sập tới nơi. Nhưng rất kinh ngạc khi đi vào trong đó có tới 8 người gồm ông bà, bố mẹ và 4 đứa con. Nhưng họ rất tử tế, họ thấy 2 thầy trò lỡ đường nên họ nhường 1 góc nhỏ cho hai thầy trò.
Điều ngạc nhiên là nhìn trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá, còn những người trong gia đình thì họ tiều tụy lắm. Và quan sát suốt buổi tối hôm đó thì thấy những người trong gia đình họ chẳng làm gì cả, chẳng bàn công việc. Có một điều đặc biệt là họ bàn tới một thứ – một con bò.
Họ chỉ quan tâm một thứ duy nhất là con bò. Thỉnh thoảng có người hỏi bò đâu rồi, có ai cắt cỏ cho bò chưa, có lấy nước không, bây giờ con bò sao rồi, có ai ra coi bò chưa? Tất cả xoay quanh con bò. Hai thầy trò quan sát thì có vẻ như con bò là nguồn sống của họ, và họ dùng sữa bò để sống chứ không làm công việc gì khác. Nhưng họ cảm thấy an tâm, họ cảm thấy tự hào vì cả làng nghèo đó không ai có được con bò quý giá như của họ. Mỗi lần nhìn vào căn nhà ọp ẹp của mình, buồn chán thì họ lại nhớ tới con bò như một điểm tựa tinh thần để an ủi là, à mình cũng chưa phải bi đát lắm.
Buổi sáng sớm hai thầy trò lên đường sớm nên không muốn đánh thức mọi người dậy. Người thầy dắt học trò đi về hướng con bò. Học trò chưa hiểu thầy muốn gì thì bất ngờ thầy rút ra con dao và cắt cổ con bò, con bò chết luôn. Học trò sảng sốt hét lên: thầy có biết là thầy giết con bò, thầy có biết là gia đình sẽ như thế nào không? Người thầy vẫn lẳng lặng bỏ đi.
Người học trò bất nhẫn phải đi theo thầy nhưng trong lòng rất hoảng loạn không hiểu ý thầy của mình như thế nào. Một năm sau thì người thầy đưa học trò trở lại nơi đó. Cảnh vật vẫn y nguyên như xưa. Chỉ có điều là căn nhà ọp ẹp không còn nữa. Thay vào đó là một căn nhà rất khang trang. Người học trò rất là lo, nghĩ rằng cái chết của con bò có thể đẩy gia đình kia đi vào bước đường cùng nên họ có thể dọn đi tha phương cầu thực nơi nào đó, và một người may mắn nào đó đã mua được miếng đất này để xây căn nhà đẹp này.
Nhưng khi gõ cửa thì người chủ nhà là người năm xưa, ăn mặc rất đẹp đẽ và gương mặt rất tươi tỉnh pha lẫn niềm hạnh phúc trên nụ cười của họ. Khi hỏi ra thì người chủ nhà mới nói, hồi đầu chúng tôi khổ sở thật, không biết kẻ nào đã giết con bò của chúng tôi, chúng tôi khổ sở một thời gian, chúng tôi nghĩ chắc sẽ chết. Nhưng chúng tôi không thể chết được, chúng tôi phải sống, chúng tôi còn nhiều điều phải làm, chúng tôi còn con nhỏ.
Bước đường cùng đó buộc chúng tôi phải nhìn sang một hướng khác, đó là phía sau nhà còn rất nhiều đất đai màu mỡ mà chưa bao giờ chúng tôi nghĩ tới việc trồng trọt cả. Nhưng vì đói quá nên chúng tôi buộc phải sống lay lắt rồi đi xin hạt giống về gieo trồng. Hồi đầu chúng tôi chỉ mua vật dụng trong nhà. Sau đó chúng tôi sửa lại được căn nhà khang trang này, nó đều là thành quả của công sức lao động gia đình chúng tôi năm qua.
Trên đường về người học trò suy nghĩ rất căng thẳng. Người thầy biết là đã tới lúc nói cho học trò được rồi. Thầy mới nói: con có nghĩ là gia đình này gặt hái được những thành quả như bây giờ nếu con bò còn sống không? Người học trò nói: dạ thưa dĩ nhiên là không. Người thầy mới nói rằng, khi người ta có một công việc mà người ta không ưa thích, công việc đó không đem lại nhiều lợi nhuận, không phải là công việc họ đam mê, không tạo ra những sản phầm giúp ích cho cộng đồng như là sự mong đợi của họ, làm việc với một ekip với những người không dễ thương thì việc bỏ nó là quyết định dễ dàng.
Nhưng cũng một công việc không mang lại hiệu quả cao, bạn không đam mê, ekip làm việc không hài lòng, nhưng nó mang lại một ít tiền đủ để trang trải đời sống, đủ để trả nợ, thì quyết định bỏ một công việc như vậy là một quyết định cực kỳ khó khăn. Đó là chưa nói công việc đó nhiều khi mang lại cho bạn một danh dự.
Cho nên mặc dù nhìn bạn tiều tụy như vậy, xơ xác như vậy, không hạnh phúc như vậy, nhưng bạn không muốn thoát ra khỏi nó. Tại vì sao? Tại vì bạn chưa đi vào bước đường cùng.
Vậy cho nên có những thứ nó không có mấy giá trị mà bạn vẫn cố giữ nó, để rồi bạn giới hạn cuộc đời bạn lại. Nhiều khi đó là một suy nghĩ, bạn quan niệm hạnh phúc chỉ là như vậy, mặc dù có nhiều người quan niệm hạnh phúc khác, sâu hơn, hay hơn, bạn không muốn tiếp nhận, bạn không muốn mở tầm nhìn, bạn chấp nhận tôi là vậy, cái thấy tôi là vậy, cuộc đời tôi là vậy, mà bạn biết rất rõ cuộc đời bạn không có gì đặc biệt hết.Chính những cái suy nghĩ đó nó đã giới hạn cuộc đời bạn lại.
May mắn cho gia đình kia là đã có vị thầy xuất hiện giết con bò làm họ tỉnh ngộ và buộc họ nhìn qua hướng khác để tiếp tục đào xới những giá trị mình có mà mình không biết. Vậy quý vị có bò không? Có cần ai tới giết bò không? Bạn không dám thả bò hoặc là bạn không biết là bạn bị giới hạn bởi những con bò đó.
Đáng lẽ ra bạn hay hơn rất nhiều. Đáng lẽ ra bạn tốt hơn rất nhiều. Đáng lẽ ra bạn tuyệt vời hơn rất nhiều. Nhưng bạn nghĩ bạn chỉ là như vậy thôi. Và bạn biết rằng bạn không thực sự đủ, bạn có những trăn trở, bạn có những lúc bất an, bạn cố nghĩ là bạn đủ rồi, bạn hài lòng rồi. Và bạn đã không đủ can đảm để thay đổi cuộc sống của mình. Phải đợi một biến cố xảy ra, phải nhờ những điều kiện như vậy thì bạn mới đủ can đảm thả những con bò đi hay là giết con bò của mình. Câu hỏi vẫn còn là nếu trong đời chúng ta không may mắn có những vị thầy như ông thầy ở trên thì mình phải làm sao đây?
Trong quá trình tu luyện của tôi tôi mới phát hiện ra là trong mỗi chúng ta ai cũng có một vị thầy. Ngày xưa khi tôi bắt đầu học thiền, tôi có cần những người thầy giỏi có trải nghiệm thành công, tôi đã đi tìm và may mắn được tiếp xúc với những bậc thầy giỏi. Họ chỉ điểm cho mình để mình đỡ lạc đường. Nhưng để đi tới cùng con đường của mình thì mình phải đi trên đôi chân của mình, phải trải nghiệm thực tế, phải chịu bầm dập đi, phải chịu lăn lóc đi, phải khổ luyện đi thì thế nào bạn cũng tìm được người thầy bên trong của mình.
Nghĩa là bạn sẽ có trí khôn, bạn sẽ có tuệ giác, bạn sẽ tìm thấy được lời khuyên trung thực nhất, chính xác nhất tại vì không ai hiểu bạn bằng chính bạn cả. Một nhà tư vấn tâm lý, một bậc thầy tâm linh, một vị đắc đạo họ cũng chỉ một cách chung chung, một cách tổng quát, hoặc họ chỉ chỉ cho bạn một giai đoạn thôi, thậm chí họ chỉ cho bạn một cách chính xác tại thời điểm này, khi bạn đứng lên đi qua một khoảng thời gian khác bạn đã là một con người khác rồi.
Ví dụ ở đây nhìn bạn thì cho một lời khuyên khác, nhưng về nhà bạn đã thay đổi rồi thì lời khuyên đó nó không còn mấy tác dụng nữa.
Vậy thì người có thể đưa ra lời khuyên chính xác nhất là vị thầy của bạn. Muốn mời được vị thầy đó thì đối với tôi là chỉ có tu luyện, thiền tập, chỉ có cho mình nhiều thời gian để quay vào bên trong, để mà tìm hiểu chính mình, để mà thư giãn đủ, bình an đủ, thảnh thơi đủ, cân bằng đủ thì tự động cái trí tuệ nó sẽ bước ra. Lúc đó bạn sẽ biết nên làm gì và không nên làm gì.

Ví dụ có một thiền sinh tới tư vấn với tôi là họ đã làm quyết định li dị vì họ nghĩ rằng họ không còn thương người bạn đời của mình được nữa. Tới khi bạn đó tuyên bố li dị thì đối phương bắt đầu hoảng hốt, đối phương ra vẻ thành tâm trở lại, yêu thương trở lại. Nhưng mà người này vẫn nghĩ rằng đây chỉ là một sự nỗ lực trong một giai đoạn thôi, có thể là nàng sợ hãi, nàng chưa chuẩn bị sẵn cuộc đổ vỡ hoặc nàng không bao giờ tin rằng chuyện này sẽ xảy ra. Đây chính là một sự bám víu thôi. Chàng không tin rằng nàng còn yêu thương mình thật nên trái tim không đủ sức được lay động và sống trở lại. Và chàng khăng khăng quyết định phải li dị. Tôi nói rằng thôi được, anh cứ giữ quyết định này, tuy nhiên anh phải nghe lời tôi là anh phải đi tĩnh dưỡng tâm hồn ít nhất là 3 tuần lễ.
Bạn này giãy này lên nói rằng không được, bạn rất bận, không cách nào có 3 tuần lễ nghỉ được. Tôi nói rằng nếu anh có niềm tin nơi tôi thì tôi nghĩ anh nên làm quyết định đó. Tại vì quyết định này có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời của anh. Anh đừng nghĩ rằng anh ly dị được người đó là anh khỏe anh thoải mái, tại vì vết thương trong lòng anh vẫn còn, trong cuộc chiến này anh vẫn là kẻ thất bại dù là cả hai đều thất bại.
Anh có biết chuyện hậu hôn nhân không? Sau hôn nhân, dù là anh là kẻ chủ động chấm dứt cuộc hôn nhân này thì anh vẫn mang một vết thương lòng rất lớn, mất niềm tin vào bản thân. Đó là mảnh đất màu mỡ cho trầm cảm ra đời. Cho nên anh dù đã khư khư ý định chia tay người đó thì anh vẫn phải chuẩn bị những kỹ thuật, những kỹ năng, những năng lượng đặc biệt để đối phó với tâm hồn mình sau khi kết thúc cuộc hôn nhân này. Đó là chưa nói tới chuyện anh phải gánh vác công việc, gánh vác việc nuôi con, đủ thứ khác. Và ít nhất trong một tháng tĩnh dưỡng tâm hồn đó anh quân bình trở lại.
Tức là trong một tháng đó tôi sẽ sắp xếp cho anh làm sao để ở một nơi nào mà anh được thực tập làm sao chỉ sống trong giây phút hiện tại mà không nhớ chuyện quá khứ, không nhớ tới người ấy, hay mỗi lần nhớ tới những câu nói đau lòng, những hành động không dễ thương với người ấy thì anh được người khác nhắc nhở anh quay trở về với phương pháp thực tập là thiền.
Tôi tin rằng sau 3 tuần dù anh chưa dọn dẹp được hết rác trong lòng, dù anh chưa lấy lại sự cân bằng một cách tuyệt đối thì anh đã có những sự bình tĩnh nhất định, anh có sự cân bằng nhất định, và ít nhất là anh đủ bình tâm sáng suốt để làm một quyết định lần nữa. Và biết đâu tới khi trái tim anh đã hồi phục trở lại, anh nhìn về câu chuyện hôn nhân của anh bằng con mắt khác, anh có thể cho người kia một cơ hội để người đó thay đổi thì sao.
Cái gì cũng có thể xảy ra được, ta phải tin vào sức mạnh ở bên trong của mình. Việc mình có thể tạm thời gác lại công việc mà mình chưa giải quyết được là cần thiết. Không phải lúc nào mình cũng đâm đầu giải quyết cho bằng được. Nếu đã cố gắng rồi mà không thành công thì đừng có tiếp tục nữa. Tại vì mình phải nhìn vào năng lực của mình ở thời điểm này nó còn đầy hay không? Nếu nó không đầy thì cái giải quyết này có thể rất tệ hại, sau này mình sẽ hối tiếc.
Cho nên mình phải đưa năng lực mình lên thế hoàn hảo nhất có thể hoặc ít nhất là cân bằng để khi làm quyết định đó thì sau này mình không hối tiếc. Vậy chuyện rời mối quan hệ một thời gian, rời công việc một thời gian đủ để mình tĩnh tâm để mình sáng suốt đưa ra quyết định đó là một sự cần thiết. Chỉ có lúc đó bạn mới tìm được người thầy bên trong của mình, hoặc là cái mà mình thấy hài lòng nhất dù là quyết định như thế nào đi chăng nữa.
Nguồn: ghi chép từ buổi pháp thoại của thầy Minh Niệm
Có thể bạn quan tâm
CHẤP NHẬN CON
DÌU CON VÀO ĐỜI
ĐÂU LÀ Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG?
LÀM SAO ĐỨNG VỮNG GIỮA ĐỜI VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ VÀ BẤT TOẠI NGUYỆN
CÁCH MÀ CHÚNG TA TỔ CHỨC MỘT CUỘC SỐNG AN LẠC ĐỂ LÀM CHỦ ĐỜI SỐNG CỦA MÌNH NẰM Ở ĐÂU?
VÌ SAO MÌNH CHIA TAY?
HẾT YÊU
LÀM SAO ĐỂ BIẾT ĐỦ?
TẠI SAO PHẢI BUÔNG TRONG KHI CÓ THÊM LÀ ĐIỀU TỐT?
CHỒNG TỪNG PHẢN BỘI, CON PHẢI LÀM SAO?
KHỔ ĐAU CŨNG LÀ CHẤT LIỆU CẦN THIẾT
BUÔNG ĐỂ NẮM
CON ĐƯỜNG ĐI TỚI ĐỜI SỐNG TỈNH THỨC
NHỮNG GIẤC MƠ ĐANG NÓI GÌ VỚI BẠN
TRANG TRÍ PHÒNG VỚI HOA
KHÔNG CÒN CHÁN GHÉT BẢN THÂN
CHỮ NHẪN TRONG TIẾNG TRUNG – Ý NGHĨA CUỘC SỐNG
KHÔNG CÒN CHÁN GHÉT BẢN THÂN