Câu hỏi: Có 1 anh bạn thường xuyên dọn nhà, chuyển nhà. Lần đầu anh ấy chỉ dọn nhà bằng xe ba gác. Lần thứ hai thuê xe tải. Lần thứ ba lại thuê 2 xe tải. Tức là cứ mỗi lần dọn nhà thì đồ đạc trong nhà lại nhiều thêm. Trong quá trình tham gia dọn nhà cùng anh ấy con phát hiện ra có những vật dụng từ căn nhà cũ sang căn nhà mới hầu như vẫn bọc và không sử dụng, nhưng anh ấy không bỏ đi. Còn hỏi tại sao anh giữ lại đồ này? Thì anh ấy chia sẻ đó là kỷ vật mà để lại không sử dụng nhưng vẫn thấy yên tâm, cảm thấy hạnh phúc khi nhìn kỷ vật, kỷ niệm đó. Và anh ấy nói đó là thành quả, dấu mốc, khoảnh khắc anh ấy đạt được trong cuộc đời nên cần giữ lại. Thầy có viết là biết đủ, vậy theo thầy thì làm sao để biết đủ? Nhiều lúc biết mà không làm được.

Ảnh: RuslanSikunov
Thầy Minh Niệm: Nói tới việc dọn nhà thì giá như cái nhà của bạn rộng, có nhiều kho thì bạn muốn chưa bao nhiêu thì chứa. Miễn sao bạn thấy không gian nó dễ thở, thoải mái, đem tới cảm giác dễ chịu mỗi khi bạn có mặt với nó.
Nhưng vấn đề là nhà bạn không đủ lớn. Bạn tưởng nó có thể chứa hết nhưng thật ra là không phải. Mỗi lần bạn đi vào đi ra nó ngột ngạt vô cùng.
Thói quen mình thấy tưởng là cần, kỳ thực là không cần. Có những chiếc áo mua mấy tháng mà chưa bao giờ mặc, thậm chí không nhớ mua ở đâu, tại sao lại mua, thậm chí còn không nhớ là mình có chiếc áo đó.
Có lần khi chúng tôi đi đường dài mấy tháng thì trọng lượng một cái balo của một người chỉ bằng 1/3 trọng lượng cơ thể thôi. Nhưng trên thực tế những người mới bắt đầu tập đi đường dài thì thường mang hơn 1/3 trọng lượng cơ thể. Bản thân tôi cũng phải học cách xếp đồ vào balo và cân balo rất nhiều lần thì mới đạt được 1/3 đó. Cứ suy nghĩ mãi cái này có cần không, cái kia có cần không. Vì mình không có kinh nghiệm nên mình cứ mang, và mang không nổi, nên mình bắt đầu bỏ bớt.
Có một cô này người Đức cũng đi phượt một thời gian. Trước khi tôi gặp cô ấy thì tôi gặp một nhóm khác 4 người bạn, đi rất chuyên nghiệp. Chúng tôi đã gia nhập chung với nhau được 5 ngày. Tới địa điểm đó thì gặp cô người Đức này đi 1 mình. Chúng tôi thấy cô ấy đi rất nặng nhọc. Nhìn cái balo là biết có vấn đề. Thấy cô ấy có rất nhiều đồ trong đó.
Chúng tôi có khuyên cố ấy là cô có ý thức được trọng lượng balo bằng 1/3 cơ thể không? Cố ấy bảo cô ấy không care chuyện đó, cô ấy còn mang được là cô ấy mang.
Nhu cầu của đàn ông khác phụ nữ nên những gì cô ấy mang là cô ấy đã suy nghĩ kỹ rồi, nó rất là cần thiết. Chúng tôi tôn trọng cô ấy và không nói nữa. Nhưng tới khi leo lên con dốc, chúng tôi lên được hết, còn mình cô ấy sót lại. Chúng tôi ra dấu hiệu để giúp đỡ nhưng cô ấy không chịu, cố ấy muốn chính mình leo lên con dốc đó.
Chúng tôi phải ngồi chờ 3 tiếng mà cô ấy vẫn chưa lên được. Chúng tôi đề nghị cô ấy bỏ bớt đồ đi. Nhưng cô ấy bảo không, đồ đạc của cô ấy toàn đồ tốt, cái gì cũng cần thiết. Cuối cùng cô ấy tự ái và bảo chúng tôi đi trước, cô ấy từ từ đi sau. Nhưng chúng tôi không bỏ cô ấy được. Chúng tôi phải tìm cách giúp cô ấy.
Và chúng tôi dùng cách điệu hổ ly sơn. Một người dụ cô ấy đi hái nấm, còn lại lấy đồ của cô ấy bỏ bớt đi. Chúng tôi đi khá lâu nên có thể dùng tay ước lượng trọng lượng balo để vừa sức cô ấy, đồ còn lại cất kỹ ở gốc cây và viết dòng chữ ai cần cứ sử dụng.
Muốn cuộc hành trình vẫn tiếp tục, đi một cách trôi chảy, nếu mà trọng lượng balo nặng quá có thể chân và vai mình tổn thương, mình chẳng đi được bao lâu cả. Mình phải chọn, một là tiếp tục cuộc hành trình, hai là cứ giữ những thứ mình cho là quan trọng, cần thiết mà cuộc hành trình bị giảm lại, thậm chí là không đi được. Khi cô ấy quay lại thì cô ấy nổi điên lên và nói chúng tôi.
Chúng tôi biết là cô ấy chỉ nổi cơn chút thôi nên chúng tôi im lặng. Sau đó chúng tôi ngồi ăn và chia sẻ nên cô ấy biết là chúng tôi thật sự muốn giúp cô ấy nên cô ấy đành lòng rời bỏ những thứ cô ấy ưa thích.
Nhưng trước khi leo lên con dốc cô ấy vẫn hỏi các anh để đồ ở đâu? Cô ấy sẽ báo tin cho các bạn biết để nếu ai đi qua đó thì lấy chứ để người khác lấy thì uổng. Kết quả là cô ấy leo lên con dốc rất dễ dàng.
Đôi khi mình không tự làm quyết định đó được. Nó có nỗi sợ hãi bên trong do mình không có kinh nghiệm. Đứng trước một quyết định lớn mình ngơ ngác. Đứng trước một chân trời mới mình hoảng loạn. Đi vào một cuộc hôn nhân mình thiếu tự tin.
Cho nên chỉ cần một tiếng chạm khẽ ở trong rừng cũng khiến mình giật mình vì mình tưởng đó là thú dữ, chứ kỳ thực đó là nỗi sợ trong lòng mình thôi.
Mình biết là cuộc hành trình của mình rất nặng nhọc, đang không đi tới phía trước được, có những thứ cần bỏ bớt. Nhiều khi đó là một liên hệ tình cảm, không hẳn là bạn phải chấm dứt liên hệ tình cảm đó, nhưng mà tại vì liên hệ tình cảm này nó đè nặng bạn quá, nó làm bạn mất hết nhựa sống, mất hết lý tưởng sống, nó không còn là chính bạn nữa thì bạn phải xin tạm ngưng một thời gian.
Mặc dù là bạn vẫn cứ tiếp tục sống chung, nhưng mật độ tiếp xúc giảm lại. Hãy tưởng tượng là 2 người bạn để vượt qua được giai đoạn này. Vì khi là hai người bạn thì không có quyền đòi hỏi yêu sách hay buộc tội lẫn nhau. Đó cũng là một cách tạm thời tách lìa ra để bảo tồn năng lượng cho hai bên.
Có những lúc chúng ta không biết là mình nên làm như vậy nhưng mà không đủ can đảm tại vì chúng ta sợ hãi hoặc là chúng ta thiếu bản lĩnh.
Có hai cái tố chất cần thiết để bạn bước đi vững chãi trong cuộc đời này, một là phải khôn ngoan thông minh, biết nên làm gì, không nên làm gì, tức là biết rất rõ. Thứ hai đó là bản lĩnh, dù bạn đã biết rồi nhưng nếu bạn không có bản lĩnh thì bạn cũng không thể thực hiện được.
Có những điều biết nên làm mà tới giờ vẫn chưa chịu làm. Có những việc biết không nên làm mà vẫn cứ làm. Chúng ta phải cần một yếu tố nào nữa hay không nếu chỉ dựa vào sức mình mà không đủ?
Nếu trong cuộc sống chúng ta không có được những người bạn như cô gái người Đức ở trên thì làm sao chúng ta có thể làm được cái quyết định là buông bỏ dù là tạm thời hay dài hạn.
Nguồn: ghi chép từ buổi pháp thoại của thầy Minh Niệm
Có thể bạn quan tâm
CHẤP NHẬN CON
DÌU CON VÀO ĐỜI
ĐÂU LÀ Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG?
LÀM SAO ĐỨNG VỮNG GIỮA ĐỜI VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ VÀ BẤT TOẠI NGUYỆN
CÁCH MÀ CHÚNG TA TỔ CHỨC MỘT CUỘC SỐNG AN LẠC ĐỂ LÀM CHỦ ĐỜI SỐNG CỦA MÌNH NẰM Ở ĐÂU?
VÌ SAO MÌNH CHIA TAY?
HẾT YÊU
LÀM SAO BIẾT KHI NÀO CẦN BUÔNG BỚT, KHI NÀO CẦN BUÔNG BỎ?
TẠI SAO PHẢI BUÔNG TRONG KHI CÓ THÊM LÀ ĐIỀU TỐT?
CHỒNG TỪNG PHẢN BỘI, CON PHẢI LÀM SAO?
KHỔ ĐAU CŨNG LÀ CHẤT LIỆU CẦN THIẾT
BUÔNG ĐỂ NẮM
CON ĐƯỜNG ĐI TỚI ĐỜI SỐNG TỈNH THỨC
NHỮNG GIẤC MƠ ĐANG NÓI GÌ VỚI BẠN
TRANG TRÍ PHÒNG VỚI HOA
KHÔNG CÒN CHÁN GHÉT BẢN THÂN
CHỮ NHẪN TRONG TIẾNG TRUNG – Ý NGHĨA CUỘC SỐNG
KHÔNG CÒN CHÁN GHÉT BẢN THÂN