Hỏi: Thưa thầy, con thấy là trẻ em bây giờ được lớn lên trong một môi trường tiện nghi vật chất rất đủ đầy. Nhiều bậc cha mẹ tự hào rằng mình cho con cái một cuộc sống no đủ, không thiếu thứ gì cả. Thế nhưng cũng sẽ tồn tại một cái băn khoăn, đó là: làm thế nào để giúp cho trẻ có thể đối diện được với những khó khăn, nghịch cảnh, biến động mà rất dễ xảy ra trong đời sống trong khi trẻ lại được no đủ quá như vậy?
Sư Minh Niệm:
Khi mà chúng ta ý thức được rằng việc hưởng thụ quá mức của con cái đã làm cho chúng trở nên yếu đuối, tức là làm cho hệ miễn dịch trong tâm hồn trở nên suy yếu. Chúng ta phải giúp con trẻ bằng cách cắt giảm bớt những sự hưởng thụ không quá cần thiết. Kể cả có những thứ cần thiết thì cũng nên cắt giảm bớt, làm cho trẻ sống thiếu thốn một chút để:
Thứ nhất: Trẻ sẽ biết trân quý những gì mình đang hưởng thụ
Thứ hai: Hưởng thụ càng ít thì sẽ càng ít tiêu tốn nhiều năng lượng, tiêu tốn phúc đức
Thứ ba: Khi hưởng thụ ít thì những đứa trẻ đó sẽ dành nhiều thời gian và năng lượng để quan tâm tới những thứ khác hơn và theo đó những hạt giống hướng thiện giúp đời, giúp người cũng sẽ có cơ hội được trỗi dậy. Bớt vì mình thì sẽ vì người.
Vậy thì cha mẹ phải là những người có sự thay đổi đầu tiên.
Đó là đủ can đảm để cắt giảm bớt việc cung cấp những tiện nghi vật chất, kể cả những tiện nghi về tinh thần như là yêu thương quan tâm quá mức, chiều chuộng quá mức.
Cha mẹ có can đảm làm điều đó hay ko?
Vì đã là một thói quen rồi thì cũng rất khó để buông bỏ.
Mình sẽ có cảm giác là thiếu thốn, thiếu trách nhiệm. Vì trước đây mình nghĩ thế hệ trước, cha mẹ của mình không thể lo cho mình đầy đủ thì mình sẽ bù đắp lại cho con cái của mình. Đó là một suy nghĩ rất sai lầm.
Vì chúng ta trưởng thành được như ngày hôm nay, chúng ta có những bước đi vững trãi trong cuộc đời như ngày hôm nay chính là nhờ có một đời sống cơ cực, nhiều khó khăn để cho bản năng sinh tồn tiềm tàng của chúng ta trỗi dậy, để chúng ta trở thành một con người vững trãi.
Đối với các trẻ ngày nay, các cháu không có lỗi lầm gì, là do môi trường, và do người lớn chúng ta sắp đặt ra một cái nơi mà các em không có nhiều cơ hội như là chúng ta ngày xưa để chịu đựng, để hy sinh, để chịu trách nhiệm.
Nên là ngoài việc cắt giảm những thứ hưởng thụ không quá cần thiết đến cả những thứ cần thiết, chúng ta còn giúp cho trẻ được có cơ hội thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình đối với các thành viên trong gia đình.
Tức là cha mẹ và các thành viên trong gia đình cũng sẽ thực tập, chịu trách nhiệm liên đới lẫn nhau.
Chúng ta tạo ra nhiều dự án nhỏ cho gia đình, cho dòng họ hoặc là cho hàng xóm, cho bạn bè, cho cộng đồng và xã hội để trẻ có cơ hội được tham gia, được chứng kiến những mảnh đời khó khăn.

Còn rất nhiều trẻ trên thế giới, xã hội, cộng đồng có quá nhiều khó khăn mà các con của mình có thể chia sẻ được thời gian, công sức, hiểu biết, kể cả một chút ít tiền bạc mà các trẻ có thể dành dụm được.
Tức là chúng ta làm sao để đánh thức những giá trị bên trong của con mình, trong đó có lòng tự ái, sự quan tâm hy sinh, sự sẻ chia và đặc biệt là sức chịu đựng gian khó.
Khi đứa trẻ có được những môi trường có thể chứng kiến được những mảnh đời như vậy, thay vì chúng ta chỉ nói trên lý thuyết thì các bé không thể cảm nhận được.
Nên cho các bé có những chuyến đi xa, được cọ sát ngoài thực tế, được sống trong những môi trường khó khăn khác nhau.
Và cuối cùng là giúp cho các bé đến được các trung tâm trẻ luyện về thể lực lẫn tinh thần, các môi trường của quân đội, của thiền viện có thể giúp cho các bé sống trong tinh thần kỷ luật, chăm sóc cảm xúc, chăm sóc bản thân, không phải muốn gì được nấy nữa, tất cả đều phải theo nguyên tắc luật lệ.
Nhờ có kỷ luật mà trẻ sẽ có được sức kiềm chế, có được nội lực. Tất cả những điều đó nếu được thực tập tốt thì chắc chắn là đứa bé sẽ được cả thiện.
Và cha mẹ chắc chắn cũng phải đồng hành cùng các con thì hiệu quả mới thực sự là trọn vẹn.
Có thể bạn quan tâm:
Làm thế nào để giúp trẻ đối diện với khó khăn, nghịch cảnh?
Làm thế nào để giúp con định hướng nếu con có những sai lầm vấp ngã
Vì sao cha mẹ và con cái mâu thuẫn trong thời gian con bước vào tuổi vị thành niên?
Con cái là nợ hay là món quà?
Ba mẹ ơi, con đồng tính…
Những bài thực tập nào để giúp cho những bậc cha mẹ bận rộn trong đời sống
Cha mẹ đang bất ổn tâm lý, vậy phải làm sao để nuôi dậy con?
Con đường đi tới đời sống tỉnh thức
CHẤP NHẬN CON
DÌU CON VÀO ĐỜI
LÀM CHA MẸ TỈNH THỨC
MẸ NHỚ CON NHIỀU LẮM!