Làm thế nào để giúp con định hướng nếu con có những sai lầm, vấp ngã?

by Mina

Hỏi: Con thấy ở trẻ lứa tuổi teen, tuổi vị thành niên, có thể nói là trẻ thường có xu thế thể hiện cá tính riêng của mình, có xu thế hơi nổi loạn một chút, và đôi khi là hơi đối đầu với cha mẹ. Từ kinh nghiệm của con thì con thấy là mình gặp khó khăn khi tiếp cận con gái của mình.

Con có câu hỏi lớn là: Làm thế nào để mình có thể vẫn tôn trọng con, vẫn cho con khoảng trời riêng để con thể hiện cá tính, phát triển bản thân, nhưng mà mình vẫn có mặt kịp thời để giúp con định hướng nếu như con có thể có những sai lầm hay là vấp ngã?

Sư Minh Niệm:

Thầy nghĩ đây chỉ là một tiến trình tự nhiên thôi, chúng ta cũng từng đi qua tiến trình này mà.

Tuổi dậy thì được gọi là tuổi nổi loạn. Thật ra thì các bé không có chủ trương nổi loạn, vì trong cơ thể có quá nhiều sự xáo trộn, những hooc môn ở bên trong tuôn vỡ ra kéo theo những hệ lụy về tâm lý mà các bé không thể nào lường hết hay là xử lý hết.

Điều này rất cần sự giúp đỡ của người lớn. Chúng ta đã từng đi qua, từng có kinh nghiệm rồi thì điều đầu tiên là chúng ta phải chấp nhận.

Ở cái tuổi này là phải như thế.

Có thể trước đó các bé rất ngoan, nghe lời cha mẹ, không dám cãi lại, không phản ứng, không có những tính nết kỳ cục như bây giờ, thì bây giờ các bé có những hiện tượng, đây chỉ là những hiện tượng như thế, thì cha mẹ phải ý thức, phải biết, phải chấp nhận, chứ không có chống lại, không có mơ ước là con mình không có tình trạng này, con mình cũng phải ngoan như là trước đây.

Đó là điều không tưởng. Đó là những suy nghĩ sai lầm.

Chúng ta phải chấp nhận thực tế có một tiến trình trưởng thành lớn lên của một đời người đi qua những giai đoạn có những biến động, có những khó khăn, có những chông chênh như vậy.

Và đây là lúc các bé rất cần đến sự giúp đỡ của người lớn.

Cha mẹ thay vì cố gắng đàn áp những cái tôi lừng lẫy của con thì cha mẹ càng phải nhún nhường, thậm chí đặt cái tôi của cha mẹ dưới cái tôi của các con

Điều trước tiên là người lớn phải chấp nhận, đừng có chống lại.

Thứ hai nữa là cha mẹ thay vì cố gắng đàn áp những cái tôi lừng lẫy của con thì cha mẹ càng phải nhún nhường, thậm chí đặt cái tôi của cha mẹ dưới cái tôi của các con.

Chỉ có lắng nghe, chỉ có thoa dịu, chỉ có bao dung, dĩ nhiên là mình không có thỏa hiệp, không có cắn răng chịu đựng để con mình muốn làm gì thì làm.

Mình cần có nhiều sự đối thoại, gần gũi đối thoại.

Và tôi nghĩ là trong một liên hệ tình cảm, dù là giữa cha mẹ và con cái, nếu chúng ta vẫn giữ được cái mức còn có thể mở lòng ra nói chuyện với nhau một cách chân thành và thẳng thắn, đôi khi con mình nó có hơi hỗn hào, nó thiếu kiểm soát cảm xúc của nó, nó nói những lời hơi khó nghe, nhưng mà đó là những gì ở bên trong nó đang xảy ra, và nó cần trút ra bên ngoài để những người thân yêu nhất của nó, những người mà rất an toàn, nó có thể làm được, thì đó điều rất nên, rất cần thiết thay vì nó đi tìm một nơi khác.

Vì vậy cha mẹ cần nỗ lực nhiều hơn trong giai đoạn này. Có thể nói là cha mẹ phải rộng lớn hơn một chút, phải kiên nhẫn hơn một chút thì mới có thể giúp được con mình, và rồi nó cũng sẽ đi qua, hiện tượng này sẽ không còn nữa.

Đừng tin rằng con mình bắt đầu ngỗ nghịch, bắt đầu hư hỏng, bắt đầu trèo lên đầu lên cổ mình, mình phải đốn hạ, triệt tiêu, quản lý được nó.

Đừng suy nghĩ như vậy vì đây chỉ là một giai đoạn thôi.

Đừng tin rằng con mình bắt đầu ngỗ nghịch, bắt đầu hư hỏng, bắt đầu trèo lên đầu lên cổ mình, mình phải đốn hạ, triệt tiêu, quản lý được nó. Đừng suy nghĩ như vậy vì đây chỉ là một giai đoạn thôi.

Bên cạnh đó thì cha mẹ sẽ có nhiều cuộc đối thoại, trò chuyện và gần gũi với con để con nhận được tình thương, nhận được sự dịu dàng, ngọt ngào, nâng đỡ của cha mẹ, anh chị em.

Và con mình sẽ được soi rọi vào cái tôi của cha mẹ, của anh chị em, thấy họ là những người đi trước, những người vững vàng, những người thành công, những người có vị trí trong xã hội mà họ rất khiêm nhường, họ rất dễ thương, họ rất bao dung thì các con sẽ được học hỏi và thay đổi. 

Bên cạnh đó cha mẹ sẽ có nhiều cơ hội để giải thích cho con hiểu: một người bước đi trong cuộc đời này có thể thành công và đứng vững được thì ngoài tài năng ra họ còn phải có đức hạnh nữa, thì họ mới hữu dụng, được nhiều người yêu mến và mới có thể duy trì được những giá trị của mình, để chúng được lan tỏa.

Đức hạnh có nghĩa là mình phải biết tôn trọng mọi người, mình phải biết chia sẻ quyền lợi đến cho mọi người, mình phải thấy được giá trị của những người xung quanh, mình phải thấy rằng mình chỉ là một phần của cộng động và xã hội, mình chỉ là một đóa hoa trong khu vườn của nhân loại thôi.

Để rồi chúng ta luôn nương tựa và tin tưởng, yêu thương lẫn nhau, chúng ta phải làm sao để tưới tắm những giá trị đó vào trong mảnh đất Tâm đang rất cần được nuôi dưỡng của con cái.

Mà điều có thể chứng minh hay là tươí tắm một cánh hiệu quả nhất đó là thân giáo, đó là đời sống thật của cha mẹ, của gia đình.

Ảnh: Pixabay

Có thể bạn quan tâm:

Làm thế nào để giúp trẻ đối diện với khó khăn, nghịch cảnh?
Làm thế nào để giúp con định hướng nếu con có những sai lầm vấp ngã
Vì sao cha mẹ và con cái mâu thuẫn trong thời gian con bước vào tuổi vị thành niên?
Con cái là nợ hay là món quà?
Ba mẹ ơi, con đồng tính…
Những bài thực tập nào để giúp cho những bậc cha mẹ bận rộn trong đời sống
Cha mẹ đang bất ổn tâm lý, vậy phải làm sao để nuôi dậy con?
Con đường đi tới đời sống tỉnh thức

CHẤP NHẬN CON
DÌU CON VÀO ĐỜI
LÀM CHA MẸ TỈNH THỨC
MẸ NHỚ CON NHIỀU LẮM!

You may also like

Leave a Comment

Add Your Heading Text Here