Làm sao đứng vững giữa đời vô thường, vô ngã và bất toại nguyện

by Mina

Chúng tôi cảm thấy rất tâm huyết khi nghe bài pháp thoại này của sư thầy Minh Niệm và đã gõ lại để đưa tới các bạn đọc những nội dung sâu sắc, gần gũi với những câu chuyện trong cuộc sống mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều đã và đang trải qua. Sẽ không lãng phí thời gian của các bạn. Cảm ơn các bạn đã tới với nuoiduongtamhon.com

VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ, BẤT TOẠI NGUYỆN

VÔ THƯỜNG

Vô thường có nghĩa là không cố định, là dịch chuyển liên tục. Cái thấy này nó chống trái lại với cái thấy của rất nhiều truyền thống tôn giáo trước đây khi những truyền thống đó tin rằng có những thứ bất biến, có những thứ thường hằng, tồn tại vĩnh viễn.

Vô thường được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong các kinh điển, trong các bài pháp thoại của Đức Phật. Bên cạnh Vô thường, Đức Phật có nhắc thêm hai cái có tính chất song song nữa là Vô ngã và Bất toại nguyện. Cả 3 cái này đi chung với nhau gọi là tam pháp ấn.

Vô thường, Vô ngã và Bất toại nguyện.

Vô thường tiếng phạn được gọi là anika, vô ngã là anata, bất toại nguyện là chutka.

Vô thường có nghĩa là không cố định, là dịch chuyển liên tục. Nếu mà không có Vô thường thì nụ không thể thành hoa được, tuyết không thể tan được, em bé sẽ mãi mãi là em bé, không thể nào lớn lên được, và khổ đau vĩnh viễn không bao giờ thay đổi được.

Khoa học ở thế kỷ thứ 17 18 cũng đã xác nhận được là vạn vật trong trời đất này không có cái gì giữ nguyên tính cố định của nó. Luôn luôn thay đổi. Nó có sinh ra và nó có diệt đi.

Nhưng bộ phận lớn của tín đồ phật giáo hay là những người biết đến đạo Phật đã không có sự hiểu đúng về tính chất của Vô thường. Thường mọi người hiểu vô thường theo hướng tiêu cực. Mọi người đang hiểu vô thường là cái gì nó thuộc về tàn úa, hoài diệt, là chết chóc, là chia lìa, là đổ vỡ.

Và thường chúng ta trở nên thấm thía cái tuệ giác vô thường khi mình đứng trước cuộc chia lìa, mất mát, đổ vỡ nào đó và chúng ta thốt lên câu là đời là vô thường.

Nhưng mà đó chỉ là một ý nghĩa hạn hẹp của Vô thường thôi.

Trong khi cái nghĩa rộng của Vô thường, nó chỉ là sự biến đổi, sự dịch chuyển. Và vì như vậy cho nên nó bao trùm lên cái ý nghĩa là sinh sôi, là nảy nở, là đơm hoa, là kết trái, là thành tựu, là tốt đẹp.

Nếu mà không có Vô thường thì nụ không thể thành hoa được, tuyết không thể tan được, em bé sẽ mãi mãi là em bé, không thể nào lớn lên được, và khổ đau vĩnh viễn không bao giờ thay đổi được.

Chính nhờ tính chất mọi sự, mọi vật đều phải dịch chuyển hết, nó tuân theo cái nguyên tắc đó cho nên chúng ta có niềm tin rằng chúng ta vừa thoát được khổ đau, vừa thoát được khó khăn, chứ nếu mà cuộc đời là thường khác thì chắc là mình không cần phải tu tập gì đâu.

Cho nên Vô thường mang một nghĩa rất là rộng, rất là sâu sắc.

VÔ NGÃ

Và để nói luôn về Vô ngã một tý. Vô ngã có nghĩa là bản chất của mọi sự mọi vật nó không có cái chủ thể. Đây là từ rất là phổ biến trong đạo Phật gọi là chủ thể tức là một cái gì đó riêng biệt của nó. Trong đạo Phật cũng có thể có dùng cái từ khác như là cái Ngã, mà chúng ta hay gọi là cái Tôi, cái mà tách biệt với những cá thể khác mà nó vẫn có thể tồn tại được.

Tức là trong cái nhận thức của con người rằng là cái này nó phải khác với cái kia, nó không có liên quan gì tới cái kia hết. Nhưng mà kỳ thực là trong bản chất nó có liên quan hết.

Nhờ có sự liên quan đó, nhờ có sự tác động qua lại, nhờ có sự nuôi dưỡng mà mỗi cá thể trong trời đất này mới có thể tồn tại được. Và con người chúng ta cũng không ngoại lệ.

tính chất của Vô ngã là không có một cái gì riêng biệt hết cho nên nó mới Vô thường, nên nó phải thay đổi.

Thêm một tính chất nữa là dukkha. Dukkha cũng bị hiểu lầm đó là đau khổ, mà kỳ thực Đức Phật không có ý nói cuộc đời này là đau khổ. Đức Phật nói cuộc đời này là Bất toại nguyện, chứ không nhất thiết là đau khổ.

Nhờ có sự liên quan, nhờ có sự tác động qua lại, nhờ có sự nuôi dưỡng mà mỗi cá thể trong trời đất này mới có thể tồn tại được

BẤT TOẠI NGUYỆN

Có những cái khó khăn xảy ra, nó trở thành đau khổ của người này nhưng không nhất thiết trở thành đau khổ của người khác. Cái đó nó tùy vào trình độ nhận thức và khả năng chịu đựng của mỗi người.

Thí dụ một trận thiên tai xảy ra, nó cũng lấy đi nhiều tài sản hay là những thương vong, nhưng mà sức chịu đựng mỗi người mỗi khác. Có những người sống với sự tàn phá của thiên nhiên quen rồi cho nên họ thấy như vậy cũng bình thường thôi.

Hoặc là có chút thương tâm hay là chút khổ luyện nhưng mà nó vượt qua rất là nhanh.

Còn những người mới tiếp nhận lần đầu thì họ phản ứng rất dữ dội, thậm chí họ suy sụp.

Và chính chúng ta cũng vậy. Có những lúc chúng ta chấp nhận đối tượng đó một cách rất là dễ dàng, nhưng có những lúc chấp nhận không nổi.

Cho nên Đức Phật nói cuộc đời này không phải là đau khổ. Nó chỉ là Bất toại nguyện thôi.

Bất toại nguyện là không có như ý mình. Nếu mà bạn hiểu được nguyên tắc cuộc đời, bạn chấp nhận tuệ giác này, cuộc đời là Vô thường, cuộc đời là Bất toại nguyện thì bạn rất là dễ sống.

Nếu bạn tin ngược lại, cuộc đời này phải là thường, phải cố định cho bạn và cuộc đời này phải như ý bạn, người đó phải như ý bạn thì bạn sẽ khổ dài dài.

Đức Phật nói cuộc đời này không phải là đau khổ. Nó chỉ là Bất toại nguyện thôi.
Bất toại nguyện là không có như ý mình. Nếu mà bạn hiểu được nguyên tắc cuộc đời, bạn chấp nhận tuệ giác này, cuộc đời là Vô thường, cuộc đời là Bất toại nguyện thì bạn rất là dễ sống.

Dĩ nhiên là cuộc đời này cũng có những cái như ý và cũng có những thứ bất như ý. Nhưng mà nếu các bạn nhìn kỹ những cái thứ như ý đó nó cũng dịch chuyển, từ một người mình rất yêu thương, rất hài lòng rồi cũng có vấn đề, rồi cũng tìm ra lỗi lầm, rồi cũng chán nản, rồi cũng muốn từ bỏ. Cái đối tượng dịch chuyển đã đành rồi mà tâm thức chúng ta cũng dịch chuyển nữa.

Đối tượng đã thay đổi, tâm thức chúng ta cũng thay đổi. Mà có khi đối tượng không có thay đổi gì mấy mà chúng ta thì thay đổi quá nhiều.

Cho nên hồi đầu rất là thích, sau rồi không thích nữa, thậm chí rất là chán, loại được càng sớm càng tốt.

Thế cho nên là cho dù những cái thứ mà chúng ta cho rằng toại nguyện như ý thì nó cũng sẽ đi về hướng bất như ý, và ngược lại những cái thứ mà chúng ta cho là bất toại nguyện, bất như ý, nhưng một lúc nào đó mình lại thấy cũng được, không đến nỗi nào, cũng nuốt vào, cũng chấp nhận được, và đôi khi là thích rồi thương, rồi yêu, rồi muốn giữ gìn.

Thì như vậy từ cái bất như ý nó chuyển về như ý. Từ cái bất toại nguyện nó chuyển về toại nguyện. Thì cái này nó gọi là Vô thường.

Nhưng mà nó cũng không đứng yên như vậy nữa, nó lại dịch chuyển nữa. Vừa mới dễ thương đó thì lại khó thương nữa. Thì giờ sao sống đây?

Nếu cuộc đời là vô thường, cuộc đời là bất toại nguyện thì mình sống cái kiểu nào đây để cho có hạnh phúc?

Cuộc đời này có hạnh phúc không?

Đó là câu hỏi có thể đặt ra.

NIẾT BÀN

Đức Phật một mặt phân tích cho chúng ta thấy cuộc đời này bản chất của nó là vô thường, là bất toại nguyện, nhưng đức Phật lại hết lời ca ngợi về thế giới này.

Đức Phật tặng cho nó một cái từ là Niết bàn.

Mặc dầu trong giáo lý cơ bản của đạo Phật có nói về Tứ diệu đế, 4 sự thật kỳ diệu. Đầu tiên là Khổ. Thứ 2 là nguyên nhân của Khổ. Thứ 3 là Hạnh phúc, tức là diệt đế, tức là chấm dứt những cái khổ đau chính là hạnh phúc. Và điều cuối cùng là cách nào có thể đạt được Hạnh phúc. Cái cách đó nó có thật. Hạnh phúc là có thật. Từ Diệu đế hay là từ chấm dứt khổ đau được diễn đạt bằng từ Niết bàn.

Thật ra Niết bàn là trạng thái của tâm thức khi mà những phiền não trong tâm bạn nó được diệt trừ hết thì bạn đạt được trạng thái Đức Phật gọi là Niết bàn.

Nhưng mà tại vì khi tâm bạn Niết bàn thì bạn nhìn cái gì cũng là Niết bàn hết. Và cuộc đời này dĩ nhiên là Niết bàn của bạn.

Cho nên nói cuộc đời là Niết bàn là do tâm bạn đang là Niết bàn. Còn cuộc đời này là khổ lụy là do tâm bạn đang khổ lụy, đang có phiền não.

Như vậy thì Đức Phật là người đã thực chứng được và đã xác nhận cuộc đời này là hạnh phúc, cuộc đời này là màu nhiệm, tuyệt diệu vô cùng, chỉ có điều là chúng ta không nhìn ra được, tại vì là chúng ta có quá nhiều vấn đề, quá nhiều phiền não nên nó ngăn chặn cái thấy đó của chúng ta.

Và Đức Phật đã bỏ ra rất nhiều thời gian để khai thị, tức là để đánh thức bạn, để chỉ cho bạn thấy bạn có khả năng làm cho mình có hạnh phúc, dù cuộc đời này nó có vô thường, dù cuộc đời này nó có bất toại nguyện bạn vẫn có thể có hạnh phúc được.

Nghe rất là lạ, tại sao nó bất như ý mình mà mình lại hạnh phúc được, tại sao nó không thỏa mãn mình mà mình hạnh phúc được? Tại vì chúng ta luôn định nghĩa là thỏa mãn là hạnh phúc.

Thí dụ khi bạn thèm 1 tô phở và bạn tìm được cái quán ăn đó rất thỏa mãn, hạnh phúc. Và bạn cố gắng học, học hành, bỏ ra rất nhiều thời gian, tâm huyết và hy sinh nhiều thứ để cuối cùng bạn tốt nghiệp, có bằng, bạn rất hạnh phúc. Cái đó gọi là một sự thỏa mãn.

Niết bàn là trạng thái của tâm thức khi mà những phiền não trong tâm bạn nó được diệt trừ hết thì bạn đạt được trạng thái Đức Phật gọi là Niết bàn

Và hầu như tất cả mọi người trong chúng ta ai cũng công nhận cái đó là điều kiện hạnh phúc, là một cái thứ hạnh phúc.

Đức Phật cũng không phủ nhận. Nhưng mà Đức Phật có nói các bạn, bạn nhìn kỹ xem cái hạnh phúc của bạn gặt hái được nó tồn tại bao lâu, tuổi thọ của nó là bao lâu?

Bạn có bao giờ kéo dài hạnh phúc đó từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác,… mặc dù khi bạn tậu được chiếc xe mới, căn nhà đắt tiền, lấy được người mình yêu thì bạn hạnh phúc thật. Có khi là cả tháng trời hay là nhiều tháng. Nhưng mà rồi nó cũng xẹp xuống. Rồi nó cũng trở về vị trí bình thường.

Chạy chiếc xe đó, ở căn nhà đó, ở bên người đó nhưng bạn không thấy gì hạnh phúc hết. Tại sao vậy? Tại vì bạn lại bắt đầu có cái muốn khác.

Trong tâm bạn bắt đầu đầy rẫy phiền não chứ bạn đâu để cái tâm bạn để nó hưởng cái hạnh phúc mà nó đang có đâu.

Đó là chưa nói trong cái thời gian bạn cho rằng bạn hạnh phúc nếu bạn phân tích kỹ thì nó vẫn đan xen vào đó cái gọi là đau khổ, hay là cái phiền muộn.

Tại vì khi bạn có hạnh phúc, bạn lại lo lắng sợ hãi, bạn nghi ngờ, tức giận rồi đủ thứ năng lượng tiêu cực bao quanh, đan xen vào cái bạn đang gọi là hạnh phúc.

Trong khi hạnh phúc là đã có cái đau khổ, đã có cái năng lượng tiêu cực nó bao quanh cái năng lượng tích cực.

AN LẠC

Theo tuệ giác của Đức Phật và các bậc thánh cho rằng những giá trị hạnh phúc này nó không hấp dẫn, không đáng để hy sinh, không đáng để bỏ nửa đời người ra để đeo đuổi, mà con người hoàn toàn có thể khai thác được những giá trị hạnh phúc lớn hơn, sâu sắc hơn, bền vững hơn mà chúng ta tạm gọi là true happiness (hạnh phúc đích thực). Nó khác với happiness.

True happiness tức là hạnh phúc chân thật mà trong đạo Phật gọi là An lạc. Hạnh phúc đến từ sự bình an. An là bình yên.

Hạnh phúc đến từ sự bình yên nghĩa là như thế nào? Nghĩa là khi tâm hồn bạn không còn vọng động, không còn phiền não, không còn lo lắng sợ hãi, nghi ngờ, kỳ thị, tức giận, dọn sạch hết tất cả rác rưởi đó thì bạn sở hữu một tâm hồn trong vắt, minh mẫn, sáng suốt, đó là một con người đang sở hữu hạnh phúc chân thật.

Khi tâm của bạn nó trong vắt như vậy, nó bình yên như vậy, lung linh tuyệt vời như vậy, nó thấy cái gì cũng đẹp, thấy cái gì cũng hay, thấy ai cũng đáng thương hết, và nó chạm được những giá trị thật của trời đất ban cho thế giới mà chúng ta đang sống.

Ví dụ bạn ngắm một bình hoa sen mà bạn thấy không có gì hấp dẫn hết là bạn đánh mất một cơ hội, đánh mất một giá trị mà đất trời ban tặng. Khi bạn ngắm bình hoa sen mà bạn thấy hạnh phúc lắm, bạn thấy hoa sen rất là đẹp, ngắm hoa sen mà lòng nhẹ nhàng thanh thoát bình yên, vậy thì bạn đã tận hưởng được một giá trị tuyệt vời của trời đất.

Tại sao cái trước bạn ngắm không thấy đẹp mà cái sau bạn ngắm lại thấy đẹp? Cái trước bạn ngắm là với một cái tâm đầy phiền muộn, đầy cáu bẩn phiền não. Còn cái ngắm lần thứ hai là cái ngắm từ một sự bình an ở bên trong.

Hạnh phúc chân thật là khi tâm hồn bạn không còn vọng động, không còn phiền não, không còn lo lắng sợ hãi, nghi ngờ, kỳ thị, tức giận, dọn sạch hết tất cả rác rưởi đó.

TÂM AN, VẠN SỰ AN

Bạn thấy không? Khi tâm bạn bình an, tâm bạn trong vắt, nhẹ nhàng thì mọi thứ xung quanh bạn bỗng dưng biến thành màu nhiệm. Nói cách khác, màu nhiệm hay không là do chính tâm bạn chứ không phải là cái ở bên ngoài. Cho nên bạn chấp cuộc đời là vô thường, cứ thay đổi. Cuộc đời cứ bất toại nguyện, nó cứ khó khăn, cứ xảy ra đi, nhưng mà bạn vẫn có thể đứng vững, vẫn có thể bình an và hạnh phúc được.

Tại sao? Tại vì bạn không còn quá nhiều những cái mong cầu về cuộc đời này, hay là những người xung quanh bạn. Khi bạn không có quá quan trọng một thứ gì đó, ví dụ bạn không quá quan trọng về người yêu bạn thì người đó không bao giờ làm khổ bạn được, tôi chắc như vậy.

Vì bạn cho họ một vị trí quá lớn ở trong lòng của bạn, cho họ một quyền lực quá lớn cho nên họ muốn cái gì thì bạn phải chiều theo cái ấy, và bạn đánh mất chủ quyền của mình cho nên bạn khổ.

Nếu bạn không quá quan trọng về tiền bạc thì tiền bạc không làm cho bạn khổ.

Bạn không quá quan trọng về quyền lực thì quyền lực không có ý nghĩa gì với bạn.

Và bạn không quá quan trọng về chuyện hệ lụy tình cảm, có cũng được, không có cũng không sao, hơi buồn chút xíu thì nó không có làm cho bạn khổ được, thấy đau đau chút thôi chứ không có khổ.

Khi tâm bạn bình an, tâm bạn trong vắt, nhẹ nhàng thì mọi thứ xung quanh bạn bỗng dưng biến thành màu nhiệm. Nói cách khác, màu nhiệm hay không là do chính tâm bạn chứ không phải là cái ở bên ngoài

Quan trọng là gì? Quan trọng có nghĩa là chúng ta đặt cái sinh mệnh của mình, cái hạnh phúc của mình vào một đối tượng ở bên ngoài.

VÌ SAO BẠN THẤY KHỔ?

Chúng ta có quá nhiều nhu cầu về hạnh phúc ở bên ngoài.

Khi mà mình cưới được người nào đó, bỗng dưng mình suy nghĩ rằng người này phải làm cho mình có hạnh phúc. Sao được? Tất nhiên là mình không có nói như vậy, nhưng mà khi người đó cười thì mình mới cười, còn người đó khổ là mình sẽ khổ, mà người đó chưa khổ, người đó chỉ cần trái ý thôi là mình đã khổ rồi. Thì điều đó có nghĩa cái hạnh phúc của mình tùy thuộc vào người khác.

Cũng vậy, từ công danh, sự nghiệp, tiền bạc,… tất cả mọi thứ đều là cái nhu yếu của chúng ta, thế nên chúng ta khổ vì nó là phải rồi. Vậy câu hỏi đặt ra là vậy có ai sống mà không có những nhu yếu đó không?

Thật ra chúng ta cần phải ăn, mặc, có nhà để ở, nhưng mà chúng ta cần rất ít, bản chất chúng ta cần rất là ít. Tại cái văn minh loài người nó bịa ra nhiều thứ quá. Có cái điện thoại gọi được rồi lại phải loại xịn mới chịu. Điện thoại là một công cụ để truyền thông ở địa lý xa thôi, chứ nó có cần phải màu sắc hay đời này đời kia để thành trò chơi rồi rờ rẫm suốt ngày.

Nhưng mà sự sa đà vào nhu cầu hưởng thụ đã làm cho con người trở nên điêu đứng và khổ sở.

Nếu mà các bạn chỉ cần một ít nhu cầu tiện nghi vật chất, chúng ta chỉ nói về vật chất thôi, chưa nói về tình cảm, thì cuộc đời này không có gì làm khổ hay làm khó được bạn hết.

Và khi mà chúng ta cần một ít về nó thì kinh tế có biến động cũng không sao.

Bởi vì nó có quá cần đâu.

Mà nhiều khi cái nhu cầu của chúng ta nó không thật sự là chúng ta muốn, chúng ta cần, mà cái nhu cầu của chúng ta đặt ra, những kế hoạch dự án đặt ra là vì người khác. Vì người khác muốn nên mình phải chiều theo.

Hoặc là vì cha mình, mẹ mình, bà con mình, bạn bè mình, cộng đồng mình quan niệm rằng mình như vậy mới là người tài giỏi, có giá trị nên mình phải vắt kiệt năng lượng của mình ra để mình đi theo những ý niệm đó, đi theo những tư tưởng đó.

Và tư tưởng cũng là vô thường.

Khi mà mình cầm cái bằng về khoe với cha mẹ thì cha mẹ bảo tao không cần, đổi ý rồi, giờ mày phải lấy vợ cho tao, lấy vợ xong rồi phải sinh cho con tao. Đổi liên tục. Chiều liên tục. Khổ liên tục.

Cho nên Đức Phật nói bạn hoàn toàn có một khả năng là cần rất ít những cái bên ngoài mà bạn vẫn có thể tồn tại được, tồn tại một cách rất vững vàng. Chính cái điều kiện này làm cho bạn trở thành một người có hạnh phúc đích thực.

Khi mà bạn ít cần về tiền bạc, ít cần về quyền lực, ít cần về sự công nhận nể phục, ít cần về tình cảm thì bạn không bao giờ bạn kêu ca cuộc đời này là bể khổ cả, bạn thấy nó rất là nhẹ nhàng, rất là thoải mái.

Tất nhiên câu hỏi vẫn còn, làm như thế nào, làm sao để chúng ta có được khả năng đó, khả năng ít cần những điều kiện bên ngoài mà vẫn có thể đứng vững được trong cuộc đời này?

Cần rất ít những cái bên ngoài mà bạn vẫn có thể tồn tại được, tồn tại một cách rất vững vàng. Chính cái điều kiện này làm cho bạn trở thành một người có hạnh phúc đích thực.

TÂM

Nhưng mà trước khi chúng ta tìm được câu trả lời thì điều đầu tiên mà chúng ta cần phải có đó là chúng ta phải có một chính kiến, có một niềm tin đúng đắn, đó là hạnh phúc là khổ đau tùy thuộc vào tâm của mình, chính mình chứ không phải là đối tượng ở bên ngoài.

Phải đồng ý điều này trước thì mới lên đường đi khám phá tâm, tìm hiểu tâm và vượt qua những bóng tối ở trong tâm để mời lên những chất thánh ở trong tâm, hay là những năng lượng tích cực, những gia tài quý báu thuộc về giá trị tâm hồn.

Còn nếu mà mình vẫn chưa tin tâm mình là cái quyết định, mình vẫn tin rằng khổ là do người khác gây ra, là do hoàn cảnh đem đến thì cái cuộc hành trình đi khám phá chính mình đó nó sẽ không đi tới đâu hết.

Và bạn sẽ mãi mãi là nô lệ của, là nạn nhân của chính mình, chính những cái bóng tối khổ đau, bóng tối phiền não trong chính mình.

Trước khi chúng ta tìm được câu trả lời thì điều đầu tiên mà chúng ta cần phải có đó là chúng ta phải có một chính kiến, có một niềm tin đúng đắn, đó là hạnh phúc là khổ đau tùy thuộc vào tâm của mình, chính mình chứ không phải là đối tượng ở bên ngoài

Thông thường thì những người trải nghiệm nhiều năm trong cuộc đời ở độ tuổi trên 40 hay là 50 thì người ta mới bắt đầu nhận ra những giá trị thật của cuộc sống.

Sau khi cảm thấy thỏa mãn đã đời với những cái mà mình đeo đuổi rồi thì người ta muốn đi tìm những giá trị sâu sắc hơn, những giá trị đúng đắn hơn là những cái ước lệ, những cái quan điểm của xã hội.

Người ta bắt đầu tìm ra rằng những cái mình đang đeo đuổi thật ra là mình đang bị nhuộm, bị kéo theo bởi tâm thức của cộng đồng. Mình ở trong cộng đồng này thì mình sẽ thấy như vậy. Nhưng mình qua một cộng đồng khác thì mình sẽ thấy khác.

Các bạn đi về miền quê thì các bạn sẽ thấy những cái khác. Khi các bạn ở thành thị thì các bạn thấy xe này đẹp, quần áo kia mình phải mua, để ý chung cư nọ mình phải có cho bằng được.

Nhưng mà trong một lý do nào đó mà buộc bạn phải sống luôn ở quê thì bạn không cần những thứ đó nữa.

Quan niệm của bạn về một chiếc áo đẹp là khác, trang phục là khác. Quan niệm về ăn uống rất là giản dị.

Còn nếu các bạn vào tu viện ở, vào trong thiền viện ở, thì quan niệm bạn lại thay đổi một lần nữa.

Câu hỏi đặt ra là cái quan niệm nào là đúng? Thì dĩ nhiên là cái đúng này nó phải do chính bạn khám phá ra.

Đúng ở đây có nghĩa là theo quan niệm nào mà bạn có được một đời sống cảm thấy là một đời sống đích thực, nghĩa là bạn thật sự đang sống chứ không phải là đi tìm sự sống, bạn đang thực sự nếm trải cảm giác hạnh phúc chứ không phải là đi tìm hạnh phúc.

Nếu mà mình vẫn chưa tin tâm mình là cái quyết định, mình vẫn tin rằng khổ là do người khác gây ra, là do hoàn cảnh đem đến thì cái cuộc hành trình đi khám phá chính mình đó nó sẽ không đi tới đâu hết.

Có vẻ như giờ chúng ta đang đi tìm hạnh phúc và chúng ta có một niềm tin rằng hạnh phúc có ở một điểm nào đó xa xa ở trong tương lai mà gần gần chắc cũng phải là hết năm nay, hoặc là một vài năm nữa, còn xa xa là 5 10 năm nữa khi mà mình tốt nghiệp trường này, khi mình hoàn tất dự án kia, khi mình đạt được điều nọ thì mình mới có hạnh phúc.

Và ý niệm về hạnh phúc của chúng ta cũng hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức của cộng đồng.

Rất có số ít người thoát ra khỏi nhận thức đó, tức là không đi theo quan điểm của xã hội. Người ta tin rằng bạn phải có bằng cấp bạn mới có giá trị. Và mình cũng không dám làm ngược lại.

Mình đâu có dám học mà không lấy bằng, ít nhất cũng bị cha mẹ chửi cho. Mình cũng có một chút niềm tin mơ hồ về cái bằng nó không có nói lên được cái kiến thức mà mình đang có, nhưng mà mình không dám thoát khỏi.

Và mình cũng tin rằng tiền bạc chẳng có giá trị gì mấy, tình cảm con người mới quan trọng hơn. Nhưng mà mình vẫn đắm đuối kiếm tiền và không hiểu tại sao.

Và nó sinh ra bao thói hư tật xấu như là sự ích kỷ, sự sân hận cũng vì chuyện kiếm tiền, nó làm hư hao giá trị tâm hồn.

Nhưng mà khi mình nói ra mình vẫn cho rằng tiền là bình thường, không có gì là quan trọng, là thứ yếu, nhưng lại dành rất nhiều thời gian để kiếm tiền, không hiểu tại sao.

Tức là nhiều khi mình cũng mơ hồ nhận ra được những giá trị thật nó đang không có được cộng đồng nhắc tới hay là đi theo, nó chìm khuất ở đâu đó. Nó là một cái gì đó mà thỉnh thoảng mình có thể chạm tới nó, cảm nhận nó, nhưng mà mình vẫn chưa đủ can đảm để làm cuộc hành trình đi tìm nó, tìm cho ra sự thật rồi mới bắt đầu thiết lập đời sống của mình.

Đa phần chúng ta đi theo cái hệ thống của xã hội là phải học lầy bằng, kiếm việc làm, kiếm tiền, dành dụm mua xe, dành dụm mua nhà, cưới vợ lấy chồng, sinh con, bắt đầu nghĩ về bản chất của cuộc sống lại khổ quá.

Và bắt đầu nhận ra được vài thứ nhưng mà đâu có làm gì được nữa, đâu còn thời gian, đâu còn không gian, đâu còn năng lực, đâu còn tự do đâu mà đi tìm kiếm cái gì nữa.

Rồi khi mà bạn trải nghiệm nhiều năm trong cuộc đời như vậy thì bạn sẽ bớt háo thắng, bớt chứng tỏ, bớt thể hiện, rồi bạn bắt đầu đi tìm những giá trị chân thật hơn thì những điều tôi chia sẻ với các bạn, bạn sẽ thấy nó rất là gần gũi, cái gì đó nó chạm vào trái tim của mình.

Còn các bạn còn quá trẻ, các bạn còn nhiều hoài bão, các bạn tới học thiền chỉ để giảm stress thì nghe ông này nói gì mà nghe chán quá, mình đang lao tới ông biểu mình đừng có lao, thì tất nhiên là những điều tôi nói này nó chưa có lọt vào tai được. Thì các bạn cứ tiếp tục trải nghiệm, các bạn không nhất thiết phải tin liền.

Nhưng mà tôi vẫn tin rằng cũng có một bộ phận khác các bạn trẻ có chiều sâu, biết quan sát, biết học hỏi, biết khôn ngoan để lùi lại một bước để quan sát những người xung quanh, nhìn vào phẩm chất đời sống của họ để tự rút ra bài học kinh nghiệm của mình thì có thể nhận ra được điều này.

Như vậy thì tu thiền, thực tập thiền thật ra đó chỉ là một cái phương pháp, một con đường để giúp bạn quay trở về chính mình để khám phá chính mình.

Tôi nói từ khám phá tại vì mình không có hiểu về mình mấy. Mình tưởng là mình hiểu nhưng kỳ thực hiểu rất ít, thậm chí hiểu sai, thậm chí hơi hoang tưởng về chính mình.

Mình đánh giá thấp về mình hoặc đánh giá quá cao về mình.

Đôi khi mình không hiểu tại sao mình lại cảm thấy rất lạc lõng, cô đơn, đôi khi nổi cơn thịnh nộ tức giận điên cuồng, đôi khi mềm nhũn muốn buông xuôi tất cả, đôi khi không muốn làm, muốn nói, muốn tiếp xúc với ai, đôi khi hứng lên thì làm.

Chính xác nó có rất nhiều cái gọi là bất bình thường mà mình vẫn chưa cho mình một cơ hội nào thật sự để mà đi tìm ra những nguyên nhân.

Và mình cũng trăn trở, cũng lăn qua lăn lại 2 3 vòng trước khi ngủ rồi cũng ngủ luôn chứ cũng có đích thực là muốn tìm ra câu trả lời xác đáng.

Mà các bạn biết không, cái thứ đó nó vẫn tiếp tục chi phối lên phẩm chất đời sống mình từng giờ từng phút, tâm mình nó chi phối lên phẩm chất đời sống của mình.

Như vậy thì tu thiền, thực tập thiền thật ra đó chỉ là một cái phương pháp, một con đường để giúp bạn quay trở về chính mình để khám phá chính mình.Tôi nói từ khám phá tại vì 1mình không có hiểu về mình mấy. Mình tưởng là mình hiểu nhưng kỳ thực hiểu rất ít, thậm chí hiểu sai, thậm chí hơi hoang tưởng về chính mình.

Dù cho bạn có những thành tựu vẻ vang đi chăng nữa, dù cho bạn có sở hữu bao nhiêu tài sản, người yêu thương mình đi chăng nữa mà cái tâm bạn nó biến động, nó lộn xộn, nó bất tuân mệnh lệnh của bạn, nó ganh ghét, nó đố kỵ, nó kỳ thị, nó giận hờn, nó đòi hỏi trách móc đủ thứ thì làm sao bạn hạnh phúc được.

Bạn có rất nhiều điều kiện của hạnh phúc, nhưng mà bạn không cảm nhận được, không thấy nó là hạnh phúc.

Vậy có phải là ở bên trong bạn không, chứ đâu phải vấn đề ở bên ngoài.

Trong khi những người đã khôn ngoan dọn dẹp tâm mình trước khi đi tìm kiếm những giá trị bên ngoài, tức là họ biết mài giũa, biết tu luyện bản thân trước, gọi là tu thân, nói theo nho gia là tu thân trước, tức là rèn luyện bản thân trước, trong rèn luyện bản thân là có vượt qua chính mình, tu thân cũng chính là tu đức. Rồi mới tề gia, tức là mới lập gia đình, mới gánh gác cái vai làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ chứ. Rồi mới trị quốc, đóng những vai lớn trong xã hội. Rồi mới bình thiên hạ.

Mà mình đâu có cần bình thiên hạ làm gì. Bình thiên hạ cũng đồng nghĩa là lấn sang lãnh thổ nước khác. Cho nên là phải đi từ trong ra ngoài trước. Tức là giải quyết những khó khăn bên trong trước. Phải là người thông đạt, người giữ được sự yên bình, người điềm tĩnh, người có sức chịu đựng lớn, một người có thể kiểm soát được cảm xúc của mình, một người có thể không có dễ dàng bị sập bẫy vào những hiện tượng xảy ra trước mắt mà biết lùi lại một bước để quan sát được bản chất của chúng, một người có chí khí, một người có tấm lòng lớn thì mới thấy nên gây dựng sự nghiệp.

Tại vì khi bạn gây dựng tới đâu là sự nghiệp bạn vẻ vang tới đó, bền chắc tới đó, lung linh tới đó. Tại vì nó đến từ một trái tim đã được tôi luyện, từ một con người đã được tôi luyện.

Nhưng mà bạn không dám làm điều này, tôi dám chọc tức bạn, dám khích tướng bạn. Tại vì sao?

Tại vì bạn không thoát khỏi gọng kìm của xã hội. Bạn biết điều đó cần nhưng bạn không làm được. Bạn vẫn ngoan ngoãn đi theo hệ thống xã hội. Bạn vẫn muốn kiếm bằng cấp, muốn chứng tỏ bản thân,…

Cái quan trọng nhất là mài dũa bản thân, là điều chỉnh tâm hồn thì bạn không chịu làm. Tất cả những phương pháp thực tập của đạo Phật là phương pháp đào luyện tâm thôi, nó không liên quan gì tới tôn giáo.

Đức Phật không đề nghị chúng ta phải thờ phụng, cúng bái, van xin hay cầu nguyện…. Tất cả những phương pháp giảng dạy của Đức Phật là giúp chúng ta thay đổi tâm tính, chuyển hóa phiền não, vượt thoát chính mình.

Vậy thôi.

Và chúng ta gọi đó là Thiền.

Cái quan trọng nhất là mài dũa bản thân, là điều chỉnh tâm hồn thì bạn không chịu làm

Và chúng ta cho nó một cái nhãn hiệu là Thiền và mặc định nó là một phương pháp riêng biệt với các phương pháp khác của đạo Phật.

Nhưng mà kỳ thực đây chính là sự thực tập chính thống của Đức Phật và các học trò của Đức Phật ở thời ban sơ, gọi là thời nguyên thủy, cái thời Đức Phật chỉ có luyện tập những phương pháp khai mở tâm hồn của mình.

Và khi tâm của bạn nó đạt tới mức độ thuần thục, bạn điều khiển được nó giống bạn huấn luyện một con chó hay con khỉ, khi mà phiền não trỗi dậy, nỗi buồn nó bung ra, bạn tìm cách đưa nó trở xuống ngay lập tức, khi một ý niệm đen tối đi ngang qua bạn và bạn chặn nó lại và bạn quan sát nó để biết nguồn gốc nó từ đâu để bạn buông bỏ ý niệm đó xuống thì cuộc đời này trở thành thiên đường, là cõi tịnh độ, là niết bàn.

Đức Phật gom nó vào một câu nói đó là: vạn pháp duy tâm tạo. Vạn pháp tức là những gì bạn thấy được thế giới xung quanh này, từ những sự vật đến những sự việc nó tùy thuộc vào tâm của bạn.

Cái thấy của bạn về thế giới này là do cái sự phản chiếu từ nơi tâm thức của bạn, chứ thế giới này nó không hẳn đúng như bạn đang nhìn thấy.

Khi tâm bạn như thế nào thì bạn nhìn lên thế giới này, thực tại này như thế đó.

Khi tâm bạn đẹp, nhiều năng lượng lành thì nhìn xung quanh ai cũng lành, ai cũng đẹp.

Khi tâm bạn nó vẩn đục, nó bất thiện, nó có quá nhiều rối rắm thì bạn nhìn mọi thứ xung quanh đều bất ổn hết, nhìn ai cũng thấy vấn đề.

Cho nên Đức Phật khuyên chúng ta đừng thay đổi thế giới, đừng thay đổi con người, đừng thay đổi hoàn cảnh, hãy thay đổi chính mình.

Lý thuyết là như vậy. Chứ còn thay đổi chính mình thì nó khủng khiếp lắm.

Nhưng ít nhất bạn phải có chính kiến, bạn có niềm tin chắc chắn không có lung lay rằng khổ là do mình, những phút trước mình thường khổ là do anh, anh làm cho tôi khổ, và sau đó nhớ rằng Đức Phật có nói khổ là do mình, thôi đừng nói nữa, xin lỗi anh, khổ không phải do anh, khổ do tôi.

Ít nhất là bạn cũng nhớ là cái nguyên nhân khổ là do bạn đòi hỏi, bạn muốn người ta phải như ý của bạn, hoặc sức chịu đựng của bạn kém quá, tại vì người đó cho dù họ có khó chịu cỡ nào, nhưng nếu sức chịu đựng của bạn lớn, bạn có một trái tim rất là vĩ đại thì sự khó chịu kia chẳng có làm gì được bạn.

Mà bạn hoàn toàn có khả năng làm được điều đó. Đức Phật cam kết như vậy.

Khi tâm bạn như thế nào thì bạn nhìn lên thế giới này, thực tại này như thế đó.
Khi tâm bạn đẹp, nhiều năng lượng lành thì nhìn xung quanh ai cũng lành, ai cũng đẹp.
Khi tâm bạn nó vẩn đục, nó bất thiện, nó có quá nhiều rối rắm thì bạn nhìn mọi thứ xung quanh đều bất ổn hết, nhìn ai cũng thấy vấn đề.

Đức Phật cam kết nếu bạn tu luyện đúng đắn, đúng phương pháp, đúng thái độ thì bạn hoàn toàn có khả năng ôm hết mọi khổ đau trên cuộc đời này mà bạn không khổ đau.

Tại vì khi đó tâm bạn nó đã sáng, đã trong vắt rồi thì nhìn cuộc đời này đáng thương hơn là đáng trách, muốn giúp đỡ muốn chia sẻ hơn là bỏ chạy tránh né.

Và các nhà khoa học ở cuối thế kỷ 19 cũng đã thấy điều đó. Các nhà khoa học nói rằng những gì chúng ta nhìn lên thực tại này chỉ đúng với trình độ chúng ta đang có, chứ thực tại là chính nó mà chúng ta không bao giờ tiếp cận được, dù đó là lăng kính của khoa học.

Đơn giản là khi bạn buồn thì bạn thấy xung quanh rất lạnh, chán ngán, khi bạn vui thì cái gì cũng được. Đó là tuệ giác của đạo Phật.

Vậy công việc quan trọng nhất chúng ta cần làm bây giờ là dọn dẹp tâm, dọn dẹp vườn tâm.

Tâm nó giống như là một khu vườn, Đức Phật hay gọi là tâm địa – đất tâm, tâm nó giống như là một mảnh đất.

Vì nó là một mảnh đất nên trong đó nó có rất nhiều loại hạt giống khác nhau. Nó có hạt giống tốt, tốt có nghĩa là những hạt giống đó giúp cho bạn có bình an hạnh phúc chân thật.

Đồng thời nó cũng đan xen vào đó hạt giống xấu, hạt giống nó làm cho bạn khổ lụy.

Bây giờ bạn phải là một nhà làm vườn giỏi. Trước hết bạn phải dọn những cỏ dại đang mọc trên đất, tức là những hạt giống nó sinh sôi nảy nở rồi, trong người mình đang sở hữu một vài thói hư tật xấu, vài năng lượng tiêu cực, dọn dẹp những cái đã sinh sôi nảy nở rồi. Và tiếp tục đào xới những cái hạt nó sắp sửa nảy mầm, lấy lên hết, dọn sạch để chừa lại tất cả những hạt giống tốt.

Bạn có nhiều đức tính tốt mà thời gian qua vì chuyện học hành, vì chuyện kiếm tiền,… mà bạn không có cơ hội nuôi dưỡng nó.

Bạn từng là một người nhẹ nhàng tinh tế, từng là một người bao dung độ lượng, từng là người có rất nhiều nụ cười trên môi,… giờ bạn nhìn lại bạn xem.

Và có rất nhiều thứ quý giá mà chúng ta đã mất đi cơ hội nuôi dưỡng.

Xin cám ơn các bạn đã lắng nghe.

Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=GzhWQ0D1Jxs&t=81s / Ảnh: Internet

Có thể bạn quan tâm

CHẤP NHẬN CON
DÌU CON VÀO ĐỜI
ĐÂU LÀ Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG?
CÁCH MÀ CHÚNG TA TỔ CHỨC MỘT CUỘC SỐNG AN LẠC ĐỂ LÀM CHỦ ĐỜI SỐNG CỦA MÌNH NẰM Ở ĐÂU?
VÌ SAO MÌNH CHIA TAY?
HẾT YÊU
LÀM SAO ĐỂ BIẾT ĐỦ?
LÀM SAO BIẾT KHI NÀO CẦN BUÔNG BỚT, KHI NÀO CẦN BUÔNG BỎ?
TẠI SAO PHẢI BUÔNG TRONG KHI CÓ THÊM LÀ ĐIỀU TỐT?
CHỒNG TỪNG PHẢN BỘI, CON PHẢI LÀM SAO?
KHỔ ĐAU CŨNG LÀ CHẤT LIỆU CẦN THIẾT
BUÔNG ĐỂ NẮM
CON ĐƯỜNG ĐI TỚI ĐỜI SỐNG TỈNH THỨC
NHỮNG GIẤC MƠ ĐANG NÓI GÌ VỚI BẠN
TRANG TRÍ PHÒNG VỚI HOA
KHÔNG CÒN CHÁN GHÉT BẢN THÂN
CHỮ NHẪN TRONG TIẾNG TRUNG – Ý NGHĨA CUỘC SỐNG
KHÔNG CÒN CHÁN GHÉT BẢN THÂN

You may also like

Leave a Comment

Add Your Heading Text Here