Làm cha mẹ tỉnh thức

by Mina

Để đồng hành và dìu con bước vào cuộc đời, nếu như con mang theo đôi mắt sáng trong thì hành trang cần thiết nhất cho cha mẹ chính là một tâm hồn tỉnh thức.

Cuộc sống hiện đại giống như một dòng chảy tất bật với mưu sinh và trách nhiệm.

Do vậy mà tuy mỗi thời có những khó khăn thách thức riêng, một người ghé vai đảm nhiệm vai trò làm mẹ ở thời nay đứng trước nhiều sự chộn rộn bất an hơn bao giờ hết.

Chúng ta sẽ dễ dàng bị cuốn theo những đợt thăng trầm xoay vòng vùi dập của cuộc sống nếu không có ý thức chủ động quay về kết nối sâu hơn với những phút giây bình yên trong thực tại bởi chính trong sự kết tinh của từng giờ khắc đó con chúng ta đang từng ngày lớn lên và chẳng bao lâu mà trưởng thành để rời khỏi vòng tay gia đình.

Tuy không ai kéo dài được thời gian, nhưng khi ta sống chậm lại trong chính dòng hối hả của mọi thứ xung quanh, ta sẽ được trải nghiệm và lưu giữ trọn vẹn hơn mọi thời khắc cùng con trẻ cũng như được cùng con nuôi dưỡng hạt giống năng lượng tỉnh thức an lành vô cùng quý báu và vô cùng quan trọng.

Trong xã hội hiện nay cũng có rất nhiều trẻ em chất chồng những nỗi đau và thương tật vô hình mà ta không nhìn thấy được. Đó là những tổn thương về tâm hồn. Tuy âm thầm mà cũng vô cùng giai dẳng và nhức nhối.

Rồi sẽ có lúc con trẻ cũng có cuộc sống riêng của mình, và khi những đứa con rời xa gia đình chúng đều sẽ đi đến cùng một nơi, đó là nơi lưu trữ những kỷ niệm, ký ức và tình cảm của cha mẹ.

Vì vậy, trở thành cha mẹ tỉnh thức là món quà tuyệt vời, thiêng liêng nhất mà các bậc sinh thành trao tặng cho con.

Làm cha mẹ tỉnh thức là ý thức mình đang làm cha mẹ nên hãy tận hưởng niềm hạnh phúc ấy từ khi con đến với đời mình, trân trọng mỗi khoảnh khắc tồn tại của con, hưởng thụ từng trải nghiệm tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng mang giá trị phi thường.

Làm cha mẹ tỉnh thức là phải luôn có những khoảnh khắc tĩnh lặng để trải nghiệm sự có mặt trọn vẹn của mình và bắt kịp với chân ngã tự nhiên của con.

Làm cha mẹ tỉnh thức là ý thức mình đang có ảnh hưởng thế nào đối với các con qua cách hành xử, tương tác của mình. Từ đó dũng cảm học lại từ những sai lầm đã trót gây ra cho con.

Làm cha mẹ tỉnh thức là chấp nhận con cái là tấm gương để cha mẹ soi chiếu sự hiện diện của bản ngã của mình để nhận thức được con người thật của chính mình.

Sau mỗi chặng dừng soi gương tu sửa bản thể cha mẹ chắc chắn sẽ đến được gần với trái tim và tâm hồn con hơn.

Với cuộc sống hiện đại lắm biến động, tình cảm gia đình chông chênh và môi trường xung quanh thật nhiều cám dỗ, khi nền kinh tế và các công nghệ phát triển bùng nổ, trẻ em vốn chưa đủ sự trưởng thành chín chắn đã phải đối mặt với những yếu tốt mất cân bằng đến từ bên ngoài, không ít thì nhiều dẫu cha mẹ có nỗ lực chở che.

Vấn đề còn lại là cha mẹ có dũng cảm lội tiếp dòng nước ngược lặng sâu bên dưới phản ứng của mình để kết nối với chính nội tâm mình.

Bởi cha mẹ càng hiểu rõ chính mình bao nhiêu thì càng dễ dàng giúp con hiểu rõ tâm hồn chúng bấy nhiêu.

Tỉnh thức là mỗi khi hiện hữu bên con, cha mẹ chỉ tập trung gắn kết với con để luôn nhận ra tình trạng tâm thức các con mà kịp thời giúp đỡ.

Trong bối cảnh hệ sinh thái của con đang có nhiều biến động liên tục, cha mẹ cần giúp con nhận ra rằng: những rắc rối của cuộc đời luôn luôn có thể trở thành những bài học cảm xúc quý giá.

Chỉ cần cha mẹ hướng vào chân ngã của con, cha mẹ sẽ có được cái nhìn cuộc sống từ điểm nhìn của trẻ để lắng nghe và thấu hiểu trẻ.

Khi khoảng cách thế hệ cứ như một con đường ngày một kéo dài ra với sự phát triển nhảy vọt của kỹ thuật số, cha mẹ tự nhiên lùi lại phía sau để rồi dù nỗ lực chạy theo đến toát mồ hôi vẫn không bắt kịp con mình trên đại lộ trải dài vời vợi trong thế giới phẳng này.

Đã làm cha mẹ thời nay gần như chắc chắn ai cũng có những phút giây chạnh lòng khi con trẻ quăng cho mình những câu bình luận gay gắt, hay lắm lúc là những cái thở dài đảo mắt với sự chậm chạp loay hoay của cha mẹ trước những thứ máy móc mà với tụi nhỏ chỉ là mấy món đồ chơi công nghệ lặt vặt.

Đồng hành cùng con do đó mà chứa đầy những thử thách và bài học cho cha mẹ, trong đó những điều cần soi rọi và chiêm nghiệm để tiếp thu sâu lại nằm chẳng đâu xa mà trong chính từng giờ phút kề bên con trẻ và cả bên đấng sinh thành của mình.

Khi cha mẹ lưu nhận cho mình bài học về sự tỉnh thức chắc chắn cũng là bài học quan trọng nhất của kiếp nhân sinh thì cha mẹ mới có thể trở thành một bến bờ yêu thương bình yên thực sự.

Cha mẹ với gia tài tỉnh thức sẽ biết rõ khi nào ta nên nhắc nhở con xốc vác để tiếp tục đi đúng lối bước qua những chông gai chắc chắn sẽ có mặt trên đường đời, và khi nào ta chỉ nên chậm bước cùng con với đôi mắt tinh khôi lắng trong, thưởng thức những nhiệm màu hiện ra dọc trên hành trình.

Cha mẹ cũng sẽ biết rõ lúc cần thiết để bước đến bên con, đỡ nâng, săn sóc với tình yêu thương dịu dàng khi con vấp ngã trầy trụa. Hành trình này thật tuyệt với khi đích đến không hề quan trọng mà trong từng bước chân và trên từng chặng đường cha mẹ và con cái cùng nhau đồng hành hỗ trợ nhau để tự khai phá những miền tươi đẹp nhất và thắp sáng những vùng còn tăm tối lạnh lẽo của tâm hồn đôi bên.

Khi cha mẹ tỉnh thức tức là đang an trú trong hiện tại và cảm nhận rất rõ những gì đang hiện hữu quanh mình đều là những tặng phẩm màu nhiệm của đất trời. Cha mẹ biết rằng không phải ai cũng may mắn có được đặc ân làm cha mẹ khi đến với cõi đời này. Cha mẹ đã được vũ trụ trao sứ mệnh thiêng liêng này nên sẽ làm tốt nhất có thể. Trong đó cha mẹ sẽ tranh thủ tận hưởng những giây phút ở bên con.

Nhiều người nghĩ rằng con cái phải biết ơn cha mẹ vì cha mẹ sinh ra con và hy sinh quá nhiều thứ cho con.

Nhưng cha mẹ lại nghĩ chính cha mẹ cũng phải biết ơn con vì nhờ có con thì cha mẹ mới bước vào vai trò được làm cha mẹ, được gọi là cha mẹ, được thể hiện nhiều giá trị rộng lớn mà người bình thường sẽ không có được.

Và mỗi khi trở về với con, cha mẹ luôn nhận được sự nuôi dưỡng và sự nâng đỡ bởi năng lượng an lành trong trẻo hồn nhiên của con.

Hành trình trở thành cha mẹ tỉnh thức phải đi qua những trải nghiệm sống thấu đáo thầm lặng và sâu sắc của cá nhân từng bậc sinh thành. Nhìn trong thời đại mà ai ai cũng hối hả chạy đến tương lai không còn thời gian để thưởng thức sự kỳ diệu của những điều bình dị thì dạy con bằng sự tỉnh thức là sự vận động khác với mẫu thức chung của xã hội.

Lúc đầu có thể sẽ có những khó khăn, nhưng về sau chính là lựa chọn tốt nhất để kết thúc vòng lặp đau khổ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác vì năng lực tỉnh thức có khả năng giúp mọi khoảnh khắc gắn kết trở thành cuộc hội ngộ tinh thần.

 Chính cha mẹ cũng cần tựa vào con.

“Chậm lại mẹ ơi, có chi đâu phải vội
Chậm lại mẹ ơi, có chi đâu phải rối
Chậm lại mẹ ơi, hãy thưởng cho mình một tách trà thơm
Chậm lại mẹ ơi, hãy dành chút thời gian thong thả ngồi chơi với bầy trẻ nhỏ
Chậm lại mẹ ơi, hãy mang ủng dạo chơi đây đó hoặc nổi hứng đá tung đống lá khô ngoài ngõ hoặc cười nói la ó đủ thứ chuyện trên đời
Chậm lại mẹ ơi, trông mẹ đã mệt nhoài
Nằm xuống đây với con, rúc vào chiếc chăn ấm êm để ngưng nghỉ dù chỉ trong chốc lát
Chậm lại mẹ ơi, đâu cần phải rửa ngay chén bát
Chậm lại mẹ ơi, cứ nướng bánh ngon lên và tạo ngay niềm vui mới trong tay
Chậm lại mẹ ơi, biết mẹ đã vất vả đêm ngày nhưng hình ảnh mẹ đẹp nhất trong con đôi khi là khoảnh khắc mẹ chẳng làm gì cả
Ngồi im với chúng con một chút đã lắng nghe một ngày rộn rã của lũ trẻ dần qua
Xin thưởng thức những giây phút ngọt ngào này vì nó sẽ trôi xa
Tuổi thơ của chúng con, mẹ ơi, chúng vĩnh viễn sẽ không còn ở đây bao lâu nữa”

Kính mời các bạn đến với thầy Minh Niệm với chủ đề: Có hiểu biết đúng mới thương yêu đúng.

Làm thế nào để giúp trẻ đối diện với khó khăn, nghịch cảnh?
Làm thế nào để giúp con định hướng nếu con có những sai lầm vấp ngã
Vì sao cha mẹ và con cái mâu thuẫn trong thời gian con bước vào tuổi vị thành niên?
Con cái là nợ hay là món quà?
Ba mẹ ơi, con đồng tính…
Những bài thực tập nào để giúp cho những bậc cha mẹ bận rộn trong đời sống
Cha mẹ đang bất ổn tâm lý, vậy phải làm sao để nuôi dậy con?
Con đường đi tới đời sống tỉnh thức

You may also like

Leave a Comment

Add Your Heading Text Here