Chúng ta đang ở trong một giai đoạn mà sự lấn sân của thế giới phẳng đã làm lung lay nhiều hệ giá trị và ảnh hưởng của thực trạng này đang tạo thêm áp lực lên nên giáo dục từ gia đình khiến cho các bậc cha mẹ càng đặt nhiều kỳ vọng lên vai con trẻ.
Cha mẹ nào cũng mong con nổi trội hơn người. Nhưng ngay cả các phương pháp giáo dục được xem là ưu việt nhất cũng không thể tạo ra được những đứa trẻ xuất chúng như nhau. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau và là duy nhất. Chúng là một bản thể độc lập mang một hệ giá trị riêng biệt.

Chỉ có cha mẹ mới có thể giúp con nhận ra giá trị của con nó độc đáo nhường nào.
Cha mẹ cần phải hiểu con, vì chỉ có hiểu mới có thể cùng xây dựng và nuôi dưỡng giá trị riêng biệt của con. Chỉ có hiểu mới có thương. Mà muốn hiểu thì cha mẹ cần lắng nghe và chấp nhận con.
Ba tiếng “chấp nhận con” mới nghe qua tưởng chừng là một việc rất dễ dàng, và thậm chí cũng không gợi lên điều gì khó khăn với chúng ta. Nhưng kỳ thực đã có nhiều bậc cha mẹ chật vật trong việc chấp nhận con.
Chúng ta đã đồng ý với nhau rằng, cuộc đời này là một chuỗi tập hợp của những điều như ý và những điều bất như ý. Nếu như chúng ta đã hoan hỉ đón nhận những điều như ý rồi thì chúng ta cũng phải hoan hỉ chấp nhận cả những điều bất như ý.

Chấp nhận ở đây có nghĩa là chúng ta đừng có chống lại, đừng có thái độ muốn loại trừ, muốn cho điều đó đừng có xảy ra. Vì nó đã xảy ra rồi. Nhân duyên nó là như vậy. Thì bây giờ chúng ta phải tìm cách để giúp đỡ, để thay đổi tình trạng. Khi chúng ta không chấp nhận một điều gì đó, không hẳn là điều đó luôn luôn là sai, là tệ, là yếu kém. Mà có khi là vì nó khác với những gì ta mong đợi thôi.
Khi cha mẹ nói với con rằng, cha mẹ không thể chấp nhận con, thì điều đó có nghĩa là con quá hư, quá tệ, quá yếu kém, quá khó khăn.
Nếu như một đứa con sinh ra đời mà không được ai chấp nhận, kể cả cha mẹ của mình chỉ vì chúng có những yếu kém, những khó khăn hay là những khuyết tật gì đó thì chúng còn ai là người thân thiết tin tưởng yêu thương chúng một cách không điều kiện trong cuộc đời này?

Một đấng sinh thành mà có quá nhiều sự lựa chọn, lúc nào cũng dành những quyền ưu tiên về phía mình, mình chỉ chấp nhận con mình hay, con mình giỏi, con mình đẹp thôi thì cái đó không hẳn là một đấng sinh thành đích thực đâu.
Khi mà con mình nó mắc phạm sai lầm, hay là nó có quá nhiều khó khăn mà bản thân nó không xử lý được thì nó đã rất đau khổ rồi. Nó vừa phải chiến đấu với chính bản thân mình, mà vừa phải chiến đấu với cả cha mẹ để cha mẹ mình đừng có phê bình, lên án, buộc tội mình, để cha mẹ mình đừng có đau khổ, tổn thương vì mình, để cha mẹ đừng có xấu hổ, mặc cảm về mình.
Cha mẹ muốn dành mọi sự tốt đẹp nhất cho con. Theo đó thì cha mẹ sẽ sẵn sàng thay đổi bản thân, bằng cách nào đó cha mẹ sẽ nới rộng dung lượng trái tim ra để không có ngại xấu hổ, không có ngại người khác cười chê, để cha mẹ vượt qua những nỗi sợ hãi từ những định kiến, thành kiến, để cuối cùng cha mẹ chỉ mong muốn con bình an và hạnh phúc, con bước đi vững chãi trong cuộc đời này, còn cái gì xảy ra cha mẹ cũng chịu hết.

Dĩ nhiên, nếu như tại thời điểm này cha mẹ thấy rằng mình chưa chấp nhận được những khó khăn, những yếu kém, những lầm lỡ của con cái thì mình xin hẹn một thời điểm khác, mình phải tin vào tính chất của vô thường.
Cho nên chúng ta cũng tin rằng hoàn cảnh rồi sẽ thay đổi. Con người rồi sẽ thay đổi. Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi. Và chúng ta cũng tin rằng bản thân mình cũng sẽ thay đổi. Nhận thức, cảm xúc hay là sự không chấp nhận này rồi cũng sẽ suy yếu và tan biến đi để nhường chỗ cho sự hiểu biết, tình thương lên ngôi.
Khi mình trở về đúng với thiên chức làm cha mẹ thì mình sẽ có sự cảm thông, mình muốn nâng đỡ hơn là mình muốn trừng phạt hay là ghét bỏ. Vì mình biết rằng mình đã từng đi qua những trải nghiệm y như là con. Và cần lắm sự chấp nhận của gia đình.

Cha mẹ nhiều khi không cần phải làm gì cả, cứ yên lặng, quan sát, gửi tình yêu thương đến, gửi niềm tin đến rồi con sẽ tự giải quyết lấy. Con hãy lo cân bằng chính mình đi. Hiểu, thương và giúp đỡ chính bản thân mình. Cha mẹ sẽ luôn bên cạnh, không gây bất cứ một áp lực nào cả. Cha mẹ sẽ mãi là một người bạn đồng hành lớn, thân thiết nhất của con.
Sự bình an của cha mẹ, sự tin tưởng yêu thương của cha mẹ, sự chấp nhận không điều kiện của cha mẹ dành cho con cái chính là một trong những món quà lớn nhất mà cha mẹ có thể hiến tặng cho con cái vào bất cứ lúc nào, nhất là những lúc con cái gặp những khó khăn khốn đốn, vấp ngã trên đường đời.

Khi đón một sinh linh bé bỏng đến với cuộc đời này, đối với mẹ cha, đứa con còn nằm nôi của mình là một kỳ quan vô cùng hoàn hảo. Áp lực đôi khi không đến từ lời nói mà là từ tiếng thở dài, từ cái nhún vai, là những biểu cảm tưởng chừng sẽ nhẹ nhàng thoáng qua nhưng lại có sức nặng ngàn cân đè lên đứa trẻ.
Chỉ khi nào cha mẹ thừa nhận rằng mỗi đứa trẻ là riêng, là một, là thứ nhất, biết chấp nhận điều không hoàn hảo của con trẻ thì khi đó các bậc cha mẹ đã có thể tự thắp lên ngọn đuốc minh triết để dìu con vào đời.
Nguồn : MINH NIỆM | Radio DÌU CON VÀO ĐỜI | Số thứ 2: Chấp Nhận Con Dù Con Có Như Thế Nào
Có thể bạn quan tâm
DÌU CON VÀO ĐỜI
CHA MẸ ĐANG BẤT ỔN TÂM LÝ, VẬY PHẢI LÀM SAO ĐỂ NUÔI DẬY CON?
BA MẸ ƠI, CON ĐỒNG TÍNH…
CON CÁI LÀ NỢ HAY LÀ MÓN QUÀ?
VÌ SAO CHA MẸ VÀ CON CÁI MÂU THUẪN TRONG THỜI GIAN CON BƯỚC VÀO TUỔI VỊ THÀNH NIÊN?
LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÚP CON ĐỊNH HƯỚNG NẾU CON CÓ NHỮNG SAI LẦM, VẤP NGÃ?
LÀM THỂ NÀO ĐỂ GIÚP TRẺ ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN, NGHỊCH CẢNH?
LÀM CHA MẸ TỈNH THỨC
MẸ NHỚ CON NHIỀU LẮM!
NHỮNG BÀI THỰC TẬP GIÚP CHO NHỮNG BẬC CHA MẸ BẬN RỘN TRONG ĐỜI SỐNG