Một bài viết cần thiết cho những ai trên con đường trở thành healer (người chữa lành) hoặc cho những ai đang mong mỏi tìm những phương cách giúp đỡ người thân vượt qua cảm xúc buồn, đau, hoạn nạn.

Ai cũng thích hiến tặng niềm vui, không ai thích sớt chia nỗi khổ. Đơn giản vì hiến tặng niềm vui là tạo ra cảm giác dễ chịu cho người nhận và cả chính mình. Trong khi sớt chia nỗi khổ là phải chạm vào, hay phải đón nhận những cảm giác từ khó chịu đến vô cùng khó chịu.
Nhưng đã thương yêu thì dù có phải chịu đau đớn tổn thất thì cũng phải cố gắng đón nhận để giúp đỡ được người mình thương yêu bởi vì họ đang rất yếu ớt và cần đến sự giúp đỡ của ta.
Ta là người thương yêu của họ, mà nếu ta không giúp thì ai sẽ giúp bây giờ? Để việc sớt chia mang lại hiệu quả, cần phải có những yếu tố cơ bản sau đây:
PHẢI CÓ THIỆN CHÍ ĐỦ LỚN
Muốn giúp ai đang có khó khăn ta nhất định phải có sự đầu tư nghiêm túc, phải xem đó là một trong những việc quan trọng hành đầu, nên cố gắng làm sao để có được năng lượng đầy đủ nhất.
Ngoài ra ta còn phải nghiên cứu học hỏi thêm nhiều phương cách, đồng thời cũng tìm hiểu kỹ về tình trạng hiện thực và nguyên nhân nào dẫn đến nỗi khổ niềm đau của người kia.
Tức là ta phải thực sự có thiện chí, và thiện chí đủ lớn mới có thể chạm vào nỗi khổ niềm đau đó. Nếu không, ta sẽ bị dội lại, thậm chí đành bỏ cuộc bởi phản ứng đáp trả của họ.
Bởi không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng cho ta giúp đỡ, họ cũng có sự tự trọng hay lo ngại nhất định.
Do đó ngoài việc hết lòng muốn giúp đỡ ta còn phải hạ cái tôi của mình xuống, thể hiện thiện chí muốn giúp đỡ, xem việc được họ cho phép giúp đỡ là một đặc ân, phúc lành, duyên may để ta thể hiện tình thương yêu hay lòng tự ái.
Khi ta đã có thiện chí khát khao muốn giúp đỡ đủ lớn thì chắc chắn bên kia sẽ cảm nhận và sẽ dễ dàng hợp tác.

PHẢI BIẾT TỰ LƯỢNG SỨC
Khi có thiện chí đủ lớn rồi ta cần phải cân nhắc đến khả năng giúp đỡ. Nên nhớ không phải lúc nào ta cũng có đủ đầy năng lượng, hoặc không phải bất cứ kinh nghiệm chữa lành tâm hồn nào ta cũng biết.
Do đó phải nhìn nhận trung thực về khả năng của mình, không vì sự xót thương quá mức, hay vì niềm tin quá lớn của người kia mà ta cố gồng lên ảo tưởng.
Điều này không chỉ gây nguy hại cho người kia mà cả chính ta nữa.
Nếu ngay từ đầu xác định rằng ta chỉ đóng vai hỗ trợ sớt chia chứ không phải là người giúp cho họ hết khổ thì bên kia sẽ không quá kỳ vọng vào ta mà bỏ quên bản thân họ.
Nói ra khả năng thật của mình có thể làm gì và không thể làm gì vừa giúp người kia đừng quên trách nhiệm tự chữa lành của họ và vừa giúp ta giữ được thái độ khiêm nhường trong suốt quá trình giúp đỡ mà tránh bớt sự vô tình gây tổn thương cho người kia.
Đến khi nào nhận thấy sự giúp đỡ của ta không còn tác dụng thì phải can đảm dừng lại và hoan hỉ để họ tìm kiếm sự giúp đỡ khác hữu hiệu hơn.

PHẢI BIẾT NÊN LÀM GÌ VÀ KHÔNG NÊN LÀM GÌ
Khi đã biết rõ khả năng của mình rồi ta còn phải xét kỹ đến phương cách nào là phù hợp với tình trạng của người kia nhất.
Có nhiều khi cần phải nói năng hay làm một việc gì đó thì mới có thể nâng dậy tinh thần họ.
Nhưng cũng có khi không làm gì cả mới là điều mà họ thực sự cần.
Đó là khi họ cần yên tĩnh một mình, cần dựa vào chính bản thân hoặc cần nghỉ ngơi thêm một thời gian rồi mới chiến đấu tiếp, nên họ chỉ cần nơi ta sự có mặt bình an hay chút năng lượng tích cực.
Do đó ta phải luôn quan sát và thấu hiểu điều gì là thật sự có thể giúp được người kia. Biết điều gì nên làm, và ta đã cố gắng làm. Biết điều gì không nên làm và ta đã cố gắng không làm.
Miễn sao giúp được người kia dù phải chịu thiệt thòi tổn thất thì đó chính là sự thương yêu có hiểu biết và cũng chính là tình thương yêu chân thật nhất.

PHẢI THẬT SỰ KIÊN NHẪN VÀ KHÔNG TỰ ÁI
Khi giúp đỡ ai, ta đừng nghĩ rằng mình đã bỏ công sức ra giúp thì họ phải ngoan ngoãn hợp tác nghe lời và nhanh chóng thoát khỏi hay chữa lành.
Ngay cả các bác sĩ hay các nhà trị liệu chuyên nghiệp cũng không bao giờ nghĩ như thế.
Vì đó là cả một tiến trình và ta chỉ đóng góp một phần nhỏ vào tiến trình ấy thôi.
Ai mà chẳng muốn thoát khỏi tình trạng u ám của mình cơ chứ. Nhưng họ phải cần thêm thời gian, thêm nhân duyên.
Thời gian sẽ giúp họ trải nghiệm sâu hơn vết thương đau và thấu hiểu sâu hơn bản thân. Từ đó mới khát khao muốn thoát ra để tìm lại sự sống và giá trị bình an một cách mãnh liệt.
Nhân duyên là điều kiện thuận lợi bên ngoài. Trong đó có thể là niềm tin và tình thương yêu không nặng nề từ những người thân yêu.
Nếu ta đã đảm nhận vai trò cứu hộ thì không được ngây thơ, không để tự ái trỗi dậy, không để cảm xúc dẫn dắt, lúc nào mệt thì tạm ngưng, nhưng đừng rút cánh tay lại.
Hãy luôn nhớ rằng giúp người khác vượt qua khó khăn là thiên nan, vạn nan mà chính ta cũng phải luyện tập và thay đổi bản thân rất nhiều mới có thể đồng hành lâu dài và hiệu quả. Nên hãy luôn dặn lòng rằng kiên nhẫn và không tự ái chính là chứng tích của tình thương yêu đích thực.

PHẢI LUÔN NUÔI DƯỠNG SỰ TỈNH THỨC VÀ LÒNG TỪ ÁI
Phải nhớ mình đang đóng vai người cứu hộ nên phải luôn quan sát tinh tường tình trạng bên kia.
Luôn giữ vững phong độ của mình, đảm bảo dung lượng trái tim mình đủ lớn. Và cũng phải nhớ người kia đang bất ổn nên không thể có những biểu hiện như một người bình thường liên tục.
Sẽ có lúc họ trở thành con người khác và có thể làm phiền hay tổn thương ta.
Luôn ý thức như thế chính là sự tỉnh thức – chất liệu mà bất cứ nhà trị liệu hay nhà hỗ trợ nào cũng phải có và cần phải được nuôi dưỡng trong suốt quá trình giúp đỡ.
Ngoài ra thiện chí muốn giúp đỡ xuất phát từ lòng xót thương cũng mang tính vô thường.
Nó có thể lớn dậy hoặc suy yếu theo thái độ phản ứng của đối phương và cả sự chăm sóc bản thân của ta.
Cho nên, ta cần dành thời gian cho bản thân, thường xuyên quay về gạn lọc tâm ý, đặc biệt là quan sát thật kỹ cái tôi dễ tự ái của mình.
Khi cái tôi không còn lừng lẫy, phiền não cũng không còn khống chế, cộng với sự tỉnh thức dẫn lỗi thì lòng từ ái mới đảm bảo không bị hao mòn hay tan biến.

Cho nên trong khi giúp người thì ta cũng phải nhớ giúp mình. Hay nói cách khác giúp đỡ người cũng chính là cơ hội để ta trưởng thành và phát kết hết tinh hoa mà đất trời ban tặng.
Điều cần ghi nhớ nữa là người kia mới là người đang đau khổ, đang phải hứng chịu sự tàn hoại bên trong hay những tổn thất bên ngoài, nên dù người ấy có làm phiền hay tổn thương ta thì đó cũng chẳng là gì so với những gì họ đang trải qua và đối mặt với tương lai phía trước.
Với lòng từ ái ta hãy luôn giữ vững niềm tin yêu với người ấy.
Đó có thể là điểm tựa sau cùng giúp họ đi tiếp chặng đường gian nan phía trước nếu có lúc nào đó họ không thể giơ nổi cánh tay kêu cứu.
Nguồn: Sư Minh Niệm
Có thể bạn quan tâm
TÌM HIỂU HO’OPONOPONO: MỘT PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU TUYỆT VỜI CỦA NGƯỜI HAWAI’I CỔ
BÀI NGUYỆN HO’OPONOPONO
KẾT NỐI TRÁI TIM
28 NGÀY THỰC HÀNH LÒNG BIẾT ƠN
LÒNG BIẾT ƠN
HÀNH THIỀN ĐÚNG CÁCH SẼ MỞ RỘNG DUNG LƯỢNG TRÁI TIM
9 CÁCH ĐỂ KẾT NỐI VỚI NỮ TÍNH THIÊNG LIÊNG CỦA BẠN
CHỮA LÀNH TÍNH NỮ
CỘNG HƯỞNG SCHUMANN LÀ GÌ – NÓ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN Ý THỨC CON NGƯỜI
BẦU TRỜI TRÁI ĐẤT NỨT ĐÔI VÌ TÁC ĐỘNG VŨ TRỤ, ÁNH SÁNG HỒNG CAM TRÀN NGẬP
THẦN SỐ HỌC
BÍ ẨN NĂNG LƯỢNG CỦA NHỮNG CON SỐ