Hỏi: Con thưa thầy, con thấy có một quan niệm của một số bậc cha mẹ cho rằng: khi mà con cái đến với đời mình thì một là trả nợ, hai là để đòi nợ cha mẹ, tương đương với khái niệm con ngoan hay con hư thì có nhiều người dựa vào kinh điển nói rằng Đức Phật đã dậy rằng có 3 loại con: ưu sanh, tùy sanh, liệt sanh, và dựa vào cái quan điểm này thì nhiều gia đình khi mà con cái ngỗ nghịch, trái tính trái nết thì nếu cha mẹ mà có nỗ lực để giúp con chuyển hóa nhưng không làm được thì họ cũng buông tay và chấp nhận rằng đây là con cái đến với mình để trả nợ. Thì con thưa thầy không biết là mình nên hiểu lời dậy của Đức Phật như thế nào ạ? Trong trường hợp cứ cho là có một đứa con liệt sanh đi ạ, thì cha mẹ phải làm gì để giúp cho mình bớt đau khổ và cũng là giúp cho con cái bớt đau khổ?
Sư Minh Niệm:
Chúng ta thường hay có thói quen là khi mà những người thân yêu của chúng ta không còn mang lại những giá trị cho chúng ta nữa, họ mắc phạm sai lầm, họ gây tổn hại cho chúng ta thì chúng ta than trời trách đất, chúng ta nói rằng chúng ta bất hạnh, chúng ta kém may mắn, chúng ta bị trời đày, nghiệp quật để mình có những người thân yêu như vậy.
Trong khi trước đó những đối tượng thương yêu của chúng ta đã từng mang lại cho chúng ta rất nhiều giá trị thì chúng ta hạnh phúc, hả hê, tung hô, chúng ta cho rằng mình là người hạnh phúc trên đời, trời đã rất thương yêu mình.
Cũng là chúng ta đó. Cũng là đối tượng thương yêu của chúng ta đó.
Nhưng mà chúng ta có hai thái độ khác nhau.
Đó là phản ứng rất tầm thường. Không phải là một thứ tình thương đích thực.
Mình có hưởng rồi thì mình phải có chịu chứ. Khi mình đến trong cuộc đời này cũng vậy. Mình đã đón nhận những điều như ý rất nhiều rồi thì mình cũng phải hoan hỷ, dễ thương chấp nhận những điều bất như ý.
Chứ lẽ nào mình chỉ muốn có những điều như ý thôi, còn những điều bất như ý mình để cho ai?

Con của mình, mình đã từng thụ hưởng trên con của mình mà. Có không? Mình có dám thừa nhận là mình đã từng ao ước có con chứ con có phải ao ước có mình đâu?
Con có mong muốn đến với cuộc đời này đâu? Làm sao con biết được điều đó.
Mình đã khát khao, mình đã tìm mọi cách để tạo ra con. Và đất trời đã ủng hộ, nâng đỡ cho quyết định đó. Để rồi mình khát khao được làm cha mẹ, được làm cha mẹ, được ẵm bồng, vuốt ve, chiều chuộng,… thể hiện không biết bao nhiêu thứ cảm xúc trên con. Còn đem con ra để khoe, hãnh diện, tự hào.
Có những đứa con còn phải phục vụ cả thời gian, năng lượng, tinh thần, thể chất, kể cả phải đi kiếm tiền để nuôi cha mẹ.
Khi con mắc sai lầm, con không kiểm soát được bản thân, con không vượt qua nổi những hạn chế khó khăn của mình thì lập tức cha mẹ sẽ phản ứng kịch liệt, đòi hỏi con mình lúc nào cũng phải tốt, phải xịn nhất có thể.
Cha mẹ sẽ không chấp nhận được những đứa con hư, làm như cha mẹ không có hư, cha mẹ không có những khó khăn.
Có những người nói rằng tôi không chấp nhận những yếu kém, những điều sai trái mà tôi lỡ gây ra. Làm như họ là thánh nhân.
Trong họ còn tham sân si, còn bản ngã to đùng, còn nhiều năng lượng tiêu cực thì trước sau gì nó cũng bộc lộ ra.
Kể cả người tu luyện lâu năm thì vẫn có những sai sót và phải chịu trách nhiệm trên những sai sót đó.

Khi mà mình chấp nhận được bản thân mình có những ưu điểm và khuyết điểm thì mình mới chấp nhận được người khác, những người thân yêu của mình cũng có những ưu điểm và khuyết điểm.
Làm sao mình nói rằng mẹ hay là cha không thể chấp nhận những sai trái của con trong khi con cũng phải có những sai trái chứ.
Mà nếu mình không chấp nhận thì đứa trẻ nó sẽ làm sao. Nó sẽ căng não ra, nó sẽ nỗ lực hết sức mình trong thời gian sống với cha mẹ.
Thật là ngột ngạt, thật là mệt mỏi, thật là đau đớn để mà đừng cho những yếu kém bộc lộ ra, hoặc là có những đứa trẻ sẽ sống một cách rất giả dối, nó sẽ bộc lộ những yếu kém của nó ở một nơi khác, khi trở về gia đình nó sẽ trình diễn cho người lớn thấy nó rất là ngon lành, nó rất là ổn, nó không có vấn đề.
Cha mẹ có muốn như vậy không?
Hay là để con cái xem cha mẹ là người thương yêu nhất trên đời, sẽ không bao giờ phán xét, trừng phạt chúng.
Để con cái xem gia đình là một nơi an toàn, đáng tin tưởng nhất. Để con cái bộc lộ hết những khó khăn.
Để chúng ta thôi đi, bỏ đi cái thói quen không dễ thương đó là khi hưởng thì im re, sung sướng, thỏa mãn mà không nhớ để rồi khi mà mình phải chịu một chút trách nhiệm, khó khăn về chính đối tượng mà mình đã từng hưởng thụ thì gầm rú, la hét, phản ứng rầm rầm.
Mình cũng thôi đi cái thói quen luôn đề cao bản thân mình, chỉ gắn kết, chỉ liên hệ với những gì tốt đẹp, còn những gì không tốt đẹp thì không thuộc về mình.
Điều đó không thực tế, không chân thật.
Nó không khai minh được trí tuệ cho chúng ta.
Nó không có mở ra được con đường sáng đẹp cho chúng ta.
Trong một con đường sáng đẹp như là chân thiện mĩ, chúng ta phải học cách chấp nhận bản thân rất là nhiều.
Một người đang bước đi trên con đường chân thiện mĩ là một người vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều bóng tối bên trong, nhưng mà họ nỗ lực từng ngày để vượt qua những giới hạn của mình.
Và may mắn thay, hạnh phúc thay cho những đứa trẻ được sống chung với những bậc cha mẹ có lòng bao dung rộng lớn, có sự hiểu biết rằng cha mẹ sẽ sẵn sàng chấp nhận những khó khăn của con, sẽ không lên án, kỳ thị, trừng phạt, thay vào đó cha mẹ sẽ đồng hành cùng với con, tìm mọi cách để giúp con vượt qua mọi khó khăn trên mọi nẻo đường.
Ảnh: Pixabay
Có thể bạn quan tâm:
Làm thế nào để giúp trẻ đối diện với khó khăn, nghịch cảnh?
Làm thế nào để giúp con định hướng nếu con có những sai lầm vấp ngã
Vì sao cha mẹ và con cái mâu thuẫn trong thời gian con bước vào tuổi vị thành niên?
Con cái là nợ hay là món quà?
Ba mẹ ơi, con đồng tính…
Những bài thực tập nào để giúp cho những bậc cha mẹ bận rộn trong đời sống
Cha mẹ đang bất ổn tâm lý, vậy phải làm sao để nuôi dậy con?
Con đường đi tới đời sống tỉnh thức
CHẤP NHẬN CON
DÌU CON VÀO ĐỜI
LÀM CHA MẸ TỈNH THỨC
MẸ NHỚ CON NHIỀU LẮM!