Cách làm chủ cuộc sống của mình ở đâu? Cách tổ chức một cuộc sống tỉnh thức, an lạc nằm ở đâu? Trong các chia sẻ riêng ở một số trường học, doanh nghiệp, công ty, tôi cũng đã chia sẻ một chút hiểu biết của mình về chủ đề đó. Hôm nay tôi làm riêng một clip để chia sẻ một cách cụ thể hơn.
Suy cho cùng, cách mà chúng ta tổ chức một cuộc sống an lạc để làm chủ đời sống của mình nằm ở đâu?

Thưa quý vị, tôi nghĩ một cách hình ảnh như thế này, nếu như hạnh phúc giống như một bóng đèn điện thì 1/3 cuộc đời chúng ta cứ loay hoay đi tìm công tắc. Chúng ta bật được công tắc đó lên, bóng đèn điện hạnh phúc sáng lên là chúng ta thỏa mãn. Thế còn chúng ta không tìm được cái công tắc thì bóng đèn đó mãi mãi không được sáng lên.
Vậy thì sau 1/3 cuộc đời, thậm chí là ½ cuộc đời, thậm chí là 2/3 cuộc đời, có bao giờ quý vị đặt ra một câu hỏi là: rốt cuộc cái công tắc đó nó nằm ở đâu hay không?
Qua chia sẻ thì nhiều người nói với tôi rằng, khi mới lớn vào đời và thậm chí trải qua những trải nghiệm của đời sống, cái công tắc đó nó nằm ở đâu đó trong cái không gian này mà mình có thể với tay mình bật nó lên thì bóng đèn hạnh phúc nó sáng lên.
Nhưng mà sau khi trải nghiệm nhiều hơn, thành công hơn và cũng thất bại hơn thì nhiều người mới chợt nhận ra rằng: hóa ra đi tìm một cái công tắc bên ngoài là một điều không bao giờ thỏa mãn được.
Mà cái công tắc để bật cái bóng đèn hạnh phúc đó hóa ra nó có sẵn ở bên trong chúng ta. Nhưng chúng ta có quay vào trong đâu, chúng ta có truy tìm ở bên trong đâu. Cho nên chúng ta có thấy nó đâu.
Công tắc đó nó nằm ngay bên trong ta.

Nó vốn dĩ được cài đặt ở trong ta, nhưng ta cứ loay hoay đi tìm bên ngoài mà không tìm vào bên trong.
Thế nào là tìm bên ngoài? Ví dụ như ta chạy theo mục tiêu nào đó. À, ta phải có 1 triệu đô mới hạnh phúc, thì cái công tắc đó nó nằm ở 1 triệu đô. Ví dụ như ta phải có một chức tước nào đó trong cơ quan để chi phối được người khác thì ta mới hạnh phúc. Như vậy cái công tắc đó nó nằm ở chức tước.
Hay ví dụ như ta có thể phải có được quyền năng nào đó để bảo ai đó thì người đó nghe. Như vậy công tắc đó nằm ở khả năng sở hữu người khác.
Nhưng mà càng muốn như thế, càng đi tìm một cái công tắc như thế thì chúng ta rơi vào một cuộc chạy marathon, mà chạy hoài, chạy mãi, tưởng là chạm vào được cái công tắc rồi nhưng lại không chạm vào được.
Tôi chợt nhớ đến những chia sẻ cuối cùng của Đức Phật trước khi ngài nhập niết bàn. Quý vị đọc kinh sách có bao giờ quý vị hỏi rằng là: trước khi nhắm mắt, điều cuối cùng Đức Phật nói là gì không ạ?
Những trang phim nói với chúng ta rằng, ở trong khu rừng Tala vào năm khoảng 80 tuổi thì Đức Phật nhập diệt, có rất nhiều đệ tử xung quanh và cố gắng kiềm chế không rơi nước mắt, bởi vì phải không rơi nước mắt thì mới thấm giáo lý của Phật, đó là vô thường, đó là sinh lão bệnh tử.
Nếu chúng ta còn nuối tiếc, còn khóc trước một sự kết thúc nào đó thì lúc đó có nghĩa là chúng ta chưa thấm được vô thường, quy luật sinh diệt, sinh tồn của vạn vật.
Cho nên phần lớn các đệ tử của Phật lúc đó không rơi nước mắt.
Nhưng có một người không kiềm chế được. Đó là thầy A Nan Đà. Thầy A Nan Đà đã khóc. Tôi đọc nhiều tích về thầy A Nan Đà, trong đó tôi rất chú ý đến phân tích của nhà huyền môn Osho trong một tác phẩm tên là Giác Ngộ.

Osho phân tích rằng, A Nan Đà vốn dĩ là anh họ của Đức Phật, và trước khi chấp nhận thọ giáo để trở thành đệ tử của Đức Phật thì A Nan Đà đưa ra cho người em họ của mình 3 điều kiện: điều kiện thứ nhất là kể từ khi ta chính thức thọ giáo người để trở thành đệ tử của người thì ta đề nghị người là không bao giờ bắt ta, ép ta đi thuyết giảng để truyền giáo.
Điều thứ hai là ta dẫn một ai đó đến thì ngươi phải thọ nhận mà không từ chối.
Và điều thứ ba là ta hỏi một điều gì thì ngươi phải trả lời ngay thay vì nói với ta rằng ngày mai ngày kia sẽ trả lời.
Osho phân tích rằng có nhiều người đến để mà xin Đức Phật thọ giáo và đưa ra những điều kiện thì phần lớn Đức Phật đều từ chối. Nhưng riêng với với A Nan Đà thì Đức Phật chấp nhận cả 3 điều kiện.
Là bởi vì Đức Phật sống với người anh em họ này từ nhỏ, biết là người anh em họ này đưa ra điều kiện vậy thôi chứ không bao giờ mà sử dụng các điều kiện đó đâu.
Và quả đúng như vậy.
A Nan Đà sau đó trở thành một người rất gần gũi, lo khăn áo cho Đức Phật. Và một người có trên dưới 50 năm để đi theo lo khăn áo cho Đức Phật.
Một người anh em họ, một người đệ tử gần gũi như thế, gắn bó như thế, mật thiết như thế cho nên trong khoảnh khắc mà Đức Phật nhập diệt thì người ấy đã rơi nước mắt, và lúc đó Đức Phật đã nói với A Nan Đà rằng, ngươi đã theo ta hàng chục năm, đấy quả thật là một điều rất đáng để ghi nhận, nhưng điều đó không giúp ngươi giải thoát.
Này A Nan Đà, hãy là ánh sáng để soi tỏ chính ngươi.
Đức Phật khuyên thầy A Nan Đà rằng, hãy tự đốt sáng cái bóng đèn ở trong mình lên. Chỉ có việc tự đốt sáng cái bóng đèn ở bên trong mình thì lúc đó mới soi sáng được cho chính mình.

Phật không phải là một thần linh tối cao nào đó để ban ánh sáng cho mình.
Phật không phải là thần linh tối cao nào đó để đưa mình thoát khỏi bể khổ bay đến một áng mây một vùng trời nào đó đầy an lạc. Không!
Phật không giúp chúng ta cứu rỗi được theo cách đó mà Phật chỉ đưa cho chúng ta một tư tưởng, đưa cho chúng ta một chân lý. Nhưng áp dụng được tư tưởng chân lý đó hay không là việc của chúng ta.
Và muốn áp dụng được chân lý đó thì theo Đức Phật, hãy tự soi sáng cho chính mình. Vậy làm thế nào để tự soi sáng? Đó là phải quay vào bên trong, bật cái bóng đèn ở bên trong mình lên. Và bóng đèn đó, nói một cách đơn giản nhất là chữ Tâm.
Khi nào chúng ta làm chủ được tâm của mình thì đấy là lúc mà chúng ta có hạnh phúc, đấy là lúc chúng ta có an lạc.
Tôi vẫn nghĩ một cách đơn giản rằng đời người có ít nhất 2 lần được sinh ra. Lần sinh ra đầu tiên là lần sinh ra về mặt sinh học, khi mà tất cả chúng ta ai cũng vậy thôi, đều chui ra từ bụng mẹ, con người sinh học lớn lên, con người sinh học xúc chạm, con người sinh học trải nghiệm, đến một lúc nào đó con người sinh học chợt thấy rằng mình không thể chạy theo những công tắc ở bên ngoài, mà phải quay về bên trong, bật cái bóng đèn tâm của mình lên, làm chủ tâm của mình, thì đó là lúc con người được sinh ra lần thứ hai.
Thế nào là làm chủ tâm?
Làm chủ tâm có nghĩa là chúng ta không để cho hoàn cảnh đánh đu mình.
Chúng ta không để cho hoàn cảnh điều khiển các trạng thái cảm xúc của mình.
Chúng ta không chạy theo hoàn cảnh.
Ngược lại, chúng ta phải vững vàng trước hoàn cảnh.

Trong một bộ kinh khá nổi tiếng, Đức Phật có nói về chuyện làm chủ tâm một cách rất hình ảnh, đó là nếu như tâm chúng ta giống như một cốc nước thì nếu ai đó ném một nắm muối vào cốc nước, cốc nước sẽ mặn, nhưng nếu tâm chúng ta giống như một dòng sông thì người ta có ném muối vào dòng sông thì cũng không vì một nắm muối đó mà dòng sông mặn thêm.
Việc người ta ném muối đó là tác động của hoàn cảnh, hoàn cảnh có thể ném muối vào đời ta, có thể ném ớt vào đời ta, có thể ném chua cay mặn ngọt vào đời ta.
Và khi ta chưa bật cái công tắc là bóng đèn tâm của mình lên thì mỗi một lúc hoàn cảnh ném vào ta một vị, ta sẽ bị chạy theo vị đó.
Nhưng khi ta bật được cái bóng đèn tâm, làm chủ tâm rồi thì họ có ném gì vào trong đó cũng chưa chắc đã chạm được vào thế giới cảm xúc đích thực ở trong ta.
Mà cuộc sống thì không thể tránh được những lúc hoàn cảnh không như ý mình, và chúng ta cũng không thể lúc nào cũng bắt hoàn cảnh phải như ý mình.
Cho nên, cố gắng làm chủ hoàn cảnh ở một mức độ nào đó thì cũng tốt, nhưng tốt hơn là làm chủ cái tâm bên trong, là bật được cái bóng đèn sáng ở bên trong thì lúc đó chúng ta có an lạc, lúc đó chúng ta có hạnh phúc.
Mà lý thuyết nói thì như vậy, nhưng mà làm sao để quay được vào bên trong, để luyện được năng lực là bật công tắc của bóng đèn ở bên trong mình?
Tôi nghĩ rằng để làm được điều đó chúng ta phải có ý thức thực hành từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút.

Và tôi cũng nói những điều này không phải trên tư cách của một người lý thuyết suông, mà chính tôi cũng đang cố gắng thực hành từng ngày từng giờ.
Bằng chứng là trước đây tôi rất dễ nổi nóng, nhưng bây giờ tôi khó nổi nóng hơn.
Mười mấy năm trước ai mà nói điều gì không đúng về tôi là tôi thấy hơi khó chịu, phải tìm cách đi thanh minh. Nhưng bây giờ ngay cả khi người ta cắt những câu nói của tôi ra khỏi một văn cảnh, ghép vào một văn cảnh khác để câu like, câu view trên mạng thì tôi cũng không đi thanh minh.
Và tôi nghĩ rằng khi chúng ta luyện tập từng ngày, từng giờ, từng phút với một ý thức là quay vào bên trong, bật cái công tắc ở bên trong mình lên để bóng đèn tâm ở trong mình nó sáng lên thì đấy là lúc chúng ta có cơ hội chạm được vào an lạc, chạm được vào hạnh phúc.
Này A Nan Đà, hãy là ánh sáng để soi tỏ chính ngươi. Câu nói cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập diệt phải chăng cũng gợi ra một cách thức, một con đường để làm chủ tâm, để bật công tắc bên trong, để tự thắp sáng cho chính mình.
Và đây có thể chỉ là một con đường, một phương thức trong rất nhiều con đường, rất nhiều phương thức mà mỗi chúng ta bằng những trải nghiệm riêng của mình sẽ có những câu trả lời riêng.
Nguồn: Nhà báo Phan Đăng / https://www.youtube.com/watch?v=6kiYRK1Cmn8 / Ảnh: Pixabay
Có thể bạn quan tâm
CHẤP NHẬN CON
DÌU CON VÀO ĐỜI
ĐÂU LÀ Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG?
LÀM SAO ĐỨNG VỮNG GIỮA ĐỜI VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ VÀ BẤT TOẠI NGUYỆN
VÌ SAO MÌNH CHIA TAY?
HẾT YÊU
LÀM SAO ĐỂ BIẾT ĐỦ?
LÀM SAO BIẾT KHI NÀO CẦN BUÔNG BỚT, KHI NÀO CẦN BUÔNG BỎ?
TẠI SAO PHẢI BUÔNG TRONG KHI CÓ THÊM LÀ ĐIỀU TỐT?
CHỒNG TỪNG PHẢN BỘI, CON PHẢI LÀM SAO?
KHỔ ĐAU CŨNG LÀ CHẤT LIỆU CẦN THIẾT
BUÔNG ĐỂ NẮM
CON ĐƯỜNG ĐI TỚI ĐỜI SỐNG TỈNH THỨC
NHỮNG GIẤC MƠ ĐANG NÓI GÌ VỚI BẠN
TRANG TRÍ PHÒNG VỚI HOA
KHÔNG CÒN CHÁN GHÉT BẢN THÂN
CHỮ NHẪN TRONG TIẾNG TRUNG – Ý NGHĨA CUỘC SỐNG
KHÔNG CÒN CHÁN GHÉT BẢN THÂN