Hiểu được bản chất của bản ngã, bạn mới có thể hiểu được cách nhận biết nó! Thông thường, định nghĩa cơ bản nhất của bản ngã được hiểu chính là cái tôi – ego tồn tại bên trong tâm thức mỗi người.
Bản ngã – cái tôi này thể hiện rằng, mỗi người chúng ta là một thực thể tách biệt, có ý tưởng, suy nghĩ, kinh nghiệm, niềm tin riêng biệt. Bởi vậy, bản ngã tồn tại khi được chú ý, nó sẽ tìm mọi cách để thu hút mọi sự chú ý bên ngoài, coi mình là trung tâm của vũ trụ.
Vậy thì bản chất của bản ngã, chính là những hình ảnh mà tâm trí của bạn vẽ ra về chính bản thân mình.
Bản ngã làm ai cũng muốn mình trở nên đẹp đẽ, hoàn hảo hơn…không ai muốn mình là một người xấu xí, thấp kém được. Bản chất con người từ lúc khai thiên lập địa là xây dựng những hình ảnh bản ngã theo những “tiêu chuẩn” mà tâm trí coi là “tốt, đẹp”, né xa những tiêu chuẩn mà tâm trí coi là “xấu, ác”.
Vậy câu hỏi tiếp theo được đặt ra: “Những tiêu chuẩn trong tâm trí này từ đâu mà ra?” Điều đó có đến từ những hệ thống niềm tin sâu thẳm trong tâm trí của bạn? Và sâu thẳm hơn nữa chính là những niềm tin cốt lõi của tiềm thức – linh hồn bạn?
Bạn thân mến, hệ thống niềm tin chính là tất cả những hệ giá trị được cài đặt trong tâm trí một người. Thông thường, chúng ta nạp vào những hệ thống niềm tin qua quá trình giáo dục và môi trường sống như kiến thức sách vở, văn hóa, tôn giáo, giá trị đạo đức, phong tục địa phương,….
Hệ thống niềm tin hoạt động theo một cách rất máy móc: Nó chỉ hấp thu những gì nó cho là đúng, gạt bỏ những gì nó cho là sai.
Bởi vậy mà biểu hiện cơ bản nhất của những một người có bản ngã mạnh mẽ đó là: “Tôi là đúng, mọi người là sai”.
Khi có một sự kiện bên ngoài tương đồng với hệ thống niềm tin bên trong, nó sẽ tạo ra sự củng cố với biểu hiện là cảm xúc thỏa mãn, hưng phấn, như những cơn nghiện.
Ngược lại, nếu có một sự kiện đi ngược lại với hệ thống niềm tin, nó sẽ tạo ra sự xù lông và kèm theo là những cảm xúc khó chịu, tiêu cực, tức giận…vv.
Điều này có nghĩa là, những phản ứng, cảm xúc như so sánh, khó chịu, hưng phấn, ghen tị, tự ti, khinh người…..đều là những biểu hiện của bản ngã. Một người càng có nhiều hệ thống niềm tin, bản ngã càng mạnh, từ đó những sự phản ứng sẽ càng lớn.
Một tâm trí càng có nhiều tầng lớp hệ thống niềm tin khác nhau, sẽ tạo ra những tầng lớp hệ giá trị khác nhau để bản ngã so sánh….điều này tạo ra những tầng lớp khác nhau của bản ngã.
Những tầng lớp khác nhau này phát triển như một cái cây, nó bắt đầu từ một hình ảnh sâu thẳm nhất (như là thiếu tình yêu bản thân), rồi nó phát triển thành những hệ thống niềm tin dựa trên hình ảnh sâu thẳm – niềm tin cốt lõi ban đầu.
Những hệ thống niềm tin này, trở thành những hệ giá trị để bản ngã được sinh sôi và phát triển. Từ đó, mới tạo ra những hình ảnh hàng ngày trong cuộc sống mỗi người…chính là thứ bản ngã cơ bản dễ nhận biết.

Vậy những niềm tin cốt lõi sâu thẳm trong tâm thức của mỗi người chính là bản chất của bản ngã vi tế!
Đa phần chúng ta thường chỉ có khả năng nhận biết những tầng lớp nông của bản ngã như là chăm chút hình ảnh bản thân (khoe khoang của cải, vật chất, tài năng,…) hoặc bảo vệ hình ảnh bản thân (ghen tị, tức giận, so sánh, tự ti,….), đây chỉ là những khía cạnh dễ nhận biết của bản ngã.
Trong khi đó, bản ngã vi tế là thứ sâu thẳm hơn, tinh vi hơn, nó là những hệ giá trị ngầm bên trong mà có khi cả đời người cũng khó có thể nhận ra được.
Nhiều khi, chúng ta cho rằng bản thân làm những điều tốt đẹp, nhất là cống hiến cho cộng đồng mà không nhận biết rằng đó chỉ là sự dẫn dắt của bản ngã vi tế.
Nhận biết những bản ngã vi tế này là điều không dễ dàng gì!
Bời vì, ít ai nhận thức được rằng điều này được tạo ra do một sự phân biệt tốt – xấu ngầm ở bên trong tâm thức: “Mình đang làm điều tốt”.
Vậy như thế nào là tốt? Thế nào là xấu? Sự phân biệt này được tạo ra do những hệ giá trị ngầm bên trong tâm thức của mỗi người.
Ví dụ như khi một người cho rằng mình sống vì tình thương, là chiến binh ánh sáng như lightworker chẳng hạn….thì điều này có nghĩa rằng người đó đã có sự phân biệt tốt/xấu ngầm trong tâm trí về ánh sáng và bóng tối.
Sự phân biệt này được tạo ra do những hệ giá trị bên trong, kiểu như là phải nói những lời tốt đẹp, thể hiện sự tích cực, chia sẻ những lời đạo lý,….để giúp đời, giúp người, thể hiện rằng đây là biểu hiện của tần số cao.
Vậy thì cái hình ảnh “ánh sáng”, “tần số cao” đó chính là những hình ảnh bản ngã vi tế trong tâm trí.
Nếu một người không nhận biết được điều này, người đó sẽ dễ dàng cuốn vào cuộc chơi với những người hoặc thực thể mà họ cho là thuộc phe “bóng tối”.
Khi đó, những người thuộc phe sáng sẽ thường áp đặt ý chí của mình cho phe tối, một số thì chiến đấu với phe tối để ép phe tối phải tồn tại theo những tiêu chí mà họ cho là đúng.
Với cộng đồng tâm linh, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết bản ngã vi tế thông qua hiện tượng phân chia giữa chính đạo – tà đạo, chính pháp – mạt pháp.
Ít ai nhìn sâu vào bên trong tâm thức của mình để thấy rằng, việc phân chia này được tạo ra bởi một hình ảnh vi tế ở bên trong, đó là hình ảnh đẹp đẽ về một con đường duy nhất giúp con người sống vui vẻ, hạnh phúc, thoát khỏi khổ đau.
Trong thực tế, khá nhiều người đi theo con đường ăn chay và ngầm cho rằng hình ảnh đó là đúng đắn, là duy nhất,…sẽ coi thường, mạt sát những người không đi theo con đường đó – ăn mặn.
Đây là điều chúng ta có thể quan sát dễ dàng nhất trong thời đại ngày nay thông qua những phong trào biểu tình, tấn công những cửa hàng bán hamburger hoặc những trang trại động vật tại những nước phương Tây.
Chính vì sự bám chấp vào hình ảnh này, mà nhiều người đi cầu đạo để thoát khổ, lại chính là những người dễ dàng bị “trigger”, xù lông, đau khổ bởi con đường cầu đạo đó nhất!
Một vấn đề nổi cộm khác về bản ngã vi tế, đó là việc nhiều người hiện nay đang theo đuổi những “sứ mệnh” tâm linh, khi cho rằng mình sống để thực hiện những sứ mệnh cao cả cho nhân loại.
Hình ảnh này được tạo ra bởi một ham muốn vi tế đó là “cảm thấy bản thân là đặc biệt”. Nếu như một người sống bình thường, không có một “sứ mệnh tâm linh” nào thì cuộc đời đó đơn giản quá…bản ngã vi tế không thể chịu được điều đó.
Hơn thế nữa, hệ thống niềm tin ở đây thể hiện rằng: “khi một người làm việc tâm linh, là việc bản thân họ đi giúp đỡ người khác”.
Điều này hàm ý sự phân chia giữa người giúp đỡ và người được giúp đỡ, kéo theo đó chính là hình ảnh về sự cứu rỗi, cứu nhân độ thế khi một người (thực thể) ban phước, cứu giúp các sinh mệnh khác.
Bạn thân mến, tự do ý chí là luật cơ bản nhất của Vũ Trụ, không một ai có thể áp đặt ý chí của mình cho người khác (nếu như người đó không đồng ý).
Hãy nhớ rằng, khi bạn làm một việc tâm linh, không có nghĩa bạn giúp đỡ người khác mà bạn chỉ là một “công cụ” để vũ trụ thông qua bạn.
Hiểu được điều này, năng lực của bạn sẽ không có giới hạn. Đây cũng chính là bản chất của câu chuyện về phép lạ của chúa Jesus trong Kinh Thánh.
Nếu một người vẫn còn sự phân chia trong tâm thức giữa người giúp đỡ và người được giúp đỡ. Bản ngã vi tế sẽ mạnh dần lên mà người đó không nhận thức được.
Hệ quả là, những ma lực nhẫn thần trên Trái Đất dễ dàng tác động và thao túng những người có bản ngã vi tế này, thông qua những trải nghiệm tâm linh để củng cố hình ảnh về sứ mệnh, như là thông điệp dẫn kênh với các thực thể vô hình hoặc hình ảnh sứ mệnh đưa tới qua thiền và thôi miên hồi quy (vấn đề này chúng ta sẽ bàn luận trong bài viết tiếp theo).

Câu hỏi tiếp theo: Làm thế nào để vượt qua được bản ngã vi tế đó?
Bạn thân mến, bản ngã vi tế biến mất, khi và chỉ khi bạn thanh lọc được những hệ giá trị – hệ thống niềm tin trong những tầng thứ sâu nhất của tâm thức bạn.
Càng gạn lọc được nhiều hệ thống niềm tin, thì bản ngã vi tế càng suy yếu. Sự thanh lọc thân tâm này cũng giúp mọi cảm xúc tích cực/ tiêu cực trong bạn cũng sẽ giảm dần, suy nghĩ trở nên bình ổn.
Nếu một người có thể lọc bỏ những hệ thống niềm tin – niềm tin cốt lõi sâu thẳm nhất trong tâm trí, người đó sẽ không thể bị kích động, tác động bởi bất kỳ tác nhân bên ngoài nào. Đây chính là trạng thái “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
Như vậy, một người tâm thức chưa phát triển sẽ có nhiều vấn đề trong tâm thức – niềm tin cốt lõi. Những nhiều tin cốt lõi này sẽ tạo ra nhiều hệ thống niềm tin khác nhau, từ đó bản ngã càng mạnh.
Và để buông được những niềm tin cốt lõi đó, chính là việc mỗi người đang hàng ngày trải nghiệm cũng như vượt qua những bài học cuộc đời.
Bài học cuộc đời bạn đến thông qua những luật tâm thức, với các khía cạnh cơ bản là luật hấp dẫn, luật nguyên nhân – kết quả, luật cân bằng.
Những luật này sẽ đem đến những bài học cuộc đời dưới dạng những tình huống khó khăn trong cuộc đời, những mối quan hệ gây tổn thương để bạn lọc bỏ những niềm tin cố hữu trong tâm thức đó.
Vậy thì, tất cả những người chúng ta gặp trong cuộc đời…không hề là sự ngẫu nhiên mà đó chính là những người phù hợp nhất với chúng ta. Họ đến để giúp chúng ta nhìn thấy những vấn đề tâm thức, bản ngã vi tế của chính bản thân mình.

Đó cũng chính là ý nghĩa của câu nói: “Con người là tấm gương soi”. Họ chính là những tấm gương giúp phản chiếu chính tâm thức của bạn.
Quá trình học này tất nhiên không dễ dàng gì, bởi thông thường bản ngã sẽ tự vệ, xù lông trước những tình huống, con người gây tổn thương cho bạn.
Để vượt qua bài học, đừng đổ lỗi cho những sự kiện, con người bên ngoài…mà hãy thành thực quan sát những suy nghĩ, phản ứng của chính bản thân bạn.
Bất kỳ ai làm bạn gợn lên một cơn sóng nhỏ nào trong tâm thức, chính là những chiếc gương soi giúp bạn nhận biết được những vấn đề nào đang tồn đọng bên trong.
Hãy học hỏi và cám ơn những tấm gương soi đó!
Khi càng vượt qua nhiều bài học khác nhau, tâm thức sẽ càng “trong” hơn. Kết quả là bản ngã cũng sẽ ngày càng phai nhạt đi….đến khi nó không còn tồn tại nữa!
Đó cũng là khi bạn tiến hóa tâm thức của mình lên một cấp độ cao hơn, trở thành một bậc giác ngộ.
Chốt lại, mình xin trích một câu nói rất hay của Eckhart Tolle:
“Những người vô thức trải nghiệm bản ngã của chính họ thông qua sự phản chiếu trên những người khác.
Chỉ khi nào bạn nhận ra những gì mình phản ứng với người khác thực ra ở chính bạn (đôi khi chỉ nằm bên trong bạn)…bạn trở nên nhận thức được bản ngã của chính mình.”
Ngô Sa Thạch